Kinh tế

Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất 670.000 tấn gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo ngành công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng vừa xuất khẩu 58.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo đã xuất trong hai tháng đầu năm là 670.000 tấn (trong đó có 47% gạo chất lượng cao, gạo thơm), tăng 106.000 tấn so cùng kỳ năm trước với tổng trị giá 304 triệu USD.

Thị trường tiêu thụ chính là châu Á (tiêu thụ 64,7% số lượng), còn lại là châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương.
 

 

Nhờ chính sách mua tạm trữ, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã tăng từ 150-200 đồng/kg. Giá lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.200-5.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.400-5.500 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có giá 7.000-7.100 đồng/kg (tùy từng địa phương), gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.650-6.750 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì bán tại mạn tàu hiện khoảng 8.000-8.100 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.600-7.700 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250-7.350 đồng/kg (tùy chất lượng và địa phương).

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuất khẩu từ 6,5-6,8 triệu tấn gạo, tương đương từ 13-13,6 triệu tấn lúa.

Để bảo đảm đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu, Đồng bằng sông Cửu Long đưa 4,1 triệu ha đất vào sản xuất 3 vụ lúa chính trong năm là đông xuân, hè thu, thu đông, phấn đấu đạt sản lượng cả ba vụ đạt 24,5 triệu tấn.

Để sản xuất đạt thắng lợi, Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa hợp lý, đẩy mạnh phát triển hệ thống dịch vụ nông nghiệp cho nông thôn, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về công nghệ sinh học trong lựa chọn và tạo giống kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các giải pháp tổng hợp như sử dụng giống thích hợp với từ vùng sinh thái (mặn, phèn, ngọt), xuống giống đồng loạt, né rầy, tăng cường sử dụng giống xác nhận, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng 4 tốt vào sản xuất.

Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thị trường thế giới, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt chú trọng giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm