Kinh tế

Động lực mới bắt đầu từ… Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 10 năm trước, Chính phủ 3 nước trên bán đảo Đông Dương đã xác định có một “vùng lõi” thuộc địa bàn tiếp giáp biên giới của nhau; cần phải bằng mọi cách đánh thức tiềm năng, cải thiện bộ mặt kinh tế-xã hội toàn vùng. Khái niệm khu vực “Tam giác phát triển” vì thế được ra đời với phạm vi địa lý bao gồm 10 tỉnh trong khu vực tiếp giáp gồm một phần Tây Nguyên (Việt Nam), các tỉnh Nam Lào và các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Ở thời điểm bấy giờ, đây là khu vực xa xôi, cách trở và đương nhiên nghèo nhất Đông Dương. Sau rất nhiều nỗ lực của 3 Chính phủ, bộ mặt Tam giác phát triển đã trở nên sáng sủa một cách rõ nét, đặc biệt là từ năm 2011…

“Thủ phủ” Attapeu

Về tương quan địa lý, cải cách giao thông nội vùng đã khiến Gia Lai trở thành “tâm điểm” của tam giác với cả hai khả năng: Tiềm lực đầu tư và nhân tố đấu nối trung tâm vùng. Vài năm lại đây, từ TP. Pleiku, buổi sáng khởi hành thong thả thì đã kịp ăn cơm trưa tại thị xã Attapeu (Lào) hoặc thị xã Ban Lung (Campuchia)- hai tỉnh lỵ thuộc hai đầu gần nhất với Việt Nam. Ở phía Lào, theo ông Hoàng Cung Thượng Nhân- Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Lào, người có thâm niên 12 năm “thường trú” tại Viên Chăn, thì hiện đã có trên 100 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào với tổng vốn khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL)- chỉ trong vòng 5 năm qua- đã kịp triển khai hàng loạt dự án với giá trị giải ngân đạt đến  2/3 trong số 1 tỷ USD giá trị đầu tư được Chính phủ Lào cấp phép.

Khởi công xây dựng Cụm Công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Cuối tháng 10-2011, trước sự chứng kiến của Chính phủ hai nước, Tập đoàn này đã khởi công- khánh thành hàng loạt công trình tầm vóc nhất nước Lào: Cụm Công nghiệp mía đường trị giá 100 triệu USD với 12.000 ha nguyên liệu, nhà máy đường công suất 7.000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy Ethanol công suất 30.000 tấn/năm và nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm- dự kiến toàn bộ đi vào hoạt động đầu quý III-2012. Dự án cao su-dầu cọ với 40.000 ha diện tích được cấp phép mà hiện tại đã phát triển được 22.000 ha cao su với công nghệ trồng mới và chăm sóc thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam Á (công nghệ tưới cao su mà năng suất mủ sẽ tăng thêm trên 30%). Ngoài ra, còn có 8 dự án thủy điện đã và đang thi công gồm các công trình thủy điện Nậm Kông 2 (66 MW), Nậm Kông 3 (40 MW), Hạ Sê Kông (120 MW), Sê Sụ (50 MW)… Chưa kể 1 mỏ sắt, 1 mỏ đồng tại tỉnh Sê Kông, 2 sân bay tại Attapeu và Hữu Phần đã được Chính phủ Lào cấp phép sẽ rút ngắn hơn nữa khoảng cách địa lý trong vùng Tam giác phát triển.

Dự kiến tới năm 2015, riêng tại Lào, HA.GL sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu lên đến nửa tỷ USD, đóng góp ngân sách cho nước bạn hàng trăm triệu USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động tại chỗ. Với tư cách doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư lớn nhất và “quyết liệt” nhất vào Lào, HA.GL đã và đang biến Attapeu (với tư cách là tỉnh nghèo nhất, thuộc cực Nam của Lào, nằm trong Tam giác phát triển) trở thành không chỉ là thủ phủ đầu tư kinh tế của HA.GL tại nước này mà còn tạo động lực mạnh mẽ nhất cho khu vực Tam giác phát triển. Chân thành và dí dỏm khi phát biểu bằng tiếng Việt, Phó Thủ tướng Xổm Xa Vạt-Lênh Xa Vát “giải mã”: Với mọi người, cụm từ HA.GL được “dịch” là Hoàng Anh Gia Lai; với chúng tôi, nó có nghĩa là Hoàng Anh giúp Lào”. Ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HA.GL thì chắc nịch như tính cách vốn có: “HAGL đã nói là làm; làm là có hiệu quả”.

Rõ ràng, HA.GL đang cùng với các đơn vị mạnh của Việt Nam đã và đang có mặt tại Lào như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (với đại diện là các công ty thành viên đứng chân tại Tây Nguyên; Tổng Công ty 15 (cũng đứng chân tại Tây Nguyên), Golf Long Thành… đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ tại Lào, thúc đẩy cho Tam giác phát triển ngày càng nhanh chóng phát triển như nỗ lực từ cam kết của Chính phủ hai nước.

Campuchia-một nỗi niềm khác

Ở một phía khác, các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia thuộc Tam giác phát triển cũng có những điều kiện tương đồng về tài nguyên rừng-đất đai, khoáng sản và du lịch, gần giống với Lào. Song, do cơ chế khác nhau nên vẫn chưa có sự đồng thuận trong mưu cầu phát triển vùng tam giác.

 

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam mà “tiêu biểu” vẫn là HA.GL, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty 15… đã triển khai “thám sát” cơ hội đầu tư ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia từ mấy năm qua. Tuy vậy, cho đến nay, hầu hết các dự án đầu tư vẫn đang phải tiếp tục “nghiên cứu”. Đầu tháng 12-2011, trong chuyến công tác Campuchia do ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai làm Trưởng đoàn, thông tin chúng tôi ghi nhận từ chương trình đầu tư vào các tỉnh Campuchia thật không mấy khả quan: Hiện tại, chỉ lác đác một số doanh nghiệp đã triển khai dự án chưa đáng kể. Ví dụ: Tổng Công ty 15 đã có 5.000 ha đất trồng cao su tại tỉnh Stung Treng nhưng chỉ mới trồng được 150 ha; tại tỉnh Rattanakiri, quỹ đất xác định là 40.000 ha như chỉ có HA.GL đã thực trồng được 3.000 ha, các Công ty Cao su Mang Yang, Krông Buk mới trồng được cũng chừng trên dưới 5.000-6.000 ha…

Dù về phía bạn, thực lòng “mời gọi” hết sức thiết tha. Tỉnh trưởng Preah Vihear-Oum Ma Ra, sau quá trình tiếp đoàn hết sức trọng thị và thân tình, đã kêu gọi các doanh nghiệp từ Gia Lai và Việt Nam đầu tư vào các thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, khoáng sản và du lịch. Tuy vậy, như đáp từ thẳng thắn của ông Phạm Thế Dũng: “Rào cản đầu tư có những điều quan trọng phải được tháo gỡ từ cấp Chính phủ; cơ chế chính sách vẫn còn gây khó cho nhà đầu tư (từ Việt Nam-Gia Lai): Hiện tại, mỗi năm Campuchia chỉ cho phép 300 ô tô thương mại qua lại biên giới, cán bộ-công nhân chỉ được cấp lưu trú tối đa 1 tháng (gia hạn phát sinh chi phí); hai nước chưa có hiệp định tương trợ pháp lý…

Chưa kể những khó khăn do suy thoái kinh tế hoặc định chế tài chính-ngân hàng, hoặc so sánh môi trường đầu tư vốn là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp. Vì vậy, dù các doanh nghiệp tại Gia Lai có vốn, giàu kinh nghiệm, sẵn lòng đầu tư mở rộng… nhưng rào cản hành chính (và cả cơ chế quản lý tài nguyên- P.V) vẫn  đang là điều làm nản lòng nhà đầu tư vào Campuchia”.

* Dù vậy, nhìn tổng thể, năm 2011 vẫn đánh dấu những bước đi quan trọng thúc đẩy sự sôi động và năng động dần lên, tác động tích cực đến môi trường kinh tế-xã hội của cả khu vực Tam giác phát triển. Tiền đề của một thời kỳ hợp tác mới đang mở ra…

Nguyễn Thịnh
 

Có thể bạn quan tâm