Kinh tế

Đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng như các địa phương khu vực phía Tây của tỉnh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pưh tập trung chính là cây hồ tiêu, cà phê, cao su… Vì vậy, việc hợp tác với Viện Khoa học-Kỹ thuật Nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty Công nghệ sinh học và các trường đại học để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm đầu tư giúp người dân an tâm sản xuất.

Các loại cây trồng khác, như lúa nước và hoa màu không phải là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương gặp không ít khó khăn do không có các hồ chứa nước lớn để tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, trình độ thâm canh lúa nước và cây trồng ngắn ngày của nông dân còn hạn chế.

 

Hồ tiêu là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Ảnh: N.D

Để giải quyết trước và trong mỗi vụ sản xuất, ngành nông nghiệp đã cắt cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp đỡ UBND các xã, thị trấn chỉ đạo người dân sản xuất đúng mùa vụ, kỹ thuật canh tác… Một trong những đột phá là huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng những cánh đồng mẫu lớn ở các cánh đồng thuận lợi về nước tưới, giúp người dân tiếp cận phương pháp xuống giống cùng ngày, cùng loại giống… Đây là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Sau 3 năm, đến nay toàn huyện đã có 350 ha ở các xã, thị trấn sản xuất lúa nước cùng một loại giống vừa hạn chế được sâu bệnh gây hại vừa tăng năng suất cây trồng, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, cung ứng đủ lúa giống cho người dân sản xuất. Nhiều cánh đồng ở các xã: Ia Dreng, Ia Rong, thị trấn Nhơn Hòa… được đưa vào sản xuất thường xuyên trong mỗi vụ.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh-ông Rơmah Chốch cho hay:  Thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, huyện đã có những bước đi cụ thể trên từng cánh đồng. Hàng năm, huyện đều xuất ngân sách hỗ trợ nông dân mua giống lúa mới, năng suất cao phù hợp với trình độ canh tác của người dân để sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Năng suất lúa tăng bình quân 10-26% so với những giống lúa cũ. Riêng trong năm qua, chương trình cánh đồng mẫu lớn đã được thực hiện tại các cánh đồng: Ia Blang (xã Ia Rong), Plei Thơh Ga (xã Chư Don) và Ia Dreng (xã Ia Dreng) với diện tích 150 ha. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư khuyến khích người dân tiếp cận giống lúa và cây trồng mới để đa dạng hóa, phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay.

Song song với đầu tư phát triển lúa nước ngành nông nghiệp huyện xây dựng đề án quy hoạch vùng hạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đề án này đang thực hiện trong vụ Đông Xuân 2015-2016 khi người dân chuyển đổi 50 ha đất lúa sang trồng bắp lấy thân, trồng cỏ và đậu đỗ các loại tại các xã Ia Phang, Ia Hrú…

Chị Trần Thị Hà-cán bộ địa chính xã Ia Hrú cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, xã đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng bắp lấy thân tại cánh đồng lúa nước Tao Chor (khoảng 50 ha). Đây là cánh đồng có khoảng 10 ha bị thiếu nước tưới. Được sự quan tâm đầu tư của huyện, bà con đã chuyển đổi sang trồng 1 ha đậu xanh và 0,5 ha bắp lấy thân với sự tham gia 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển, nếu hiệu quả kinh tế cao xã sẽ nhân rộng cho bà con các làng sản xuất. Việc tìm ra hướng sản xuất phù hợp là một trong những giải pháp hướng đến nền nông nghiệp bền vững ở Chư Pưh.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm