Kinh tế

Dự án BOT quốc lộ 19 lại vấp chuyện số liệu ảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc bị yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn 7 năm 6 tháng đã cho thấy sự yếu kém trong công tác lập dự toán, xây dựng phương án tài chính tại Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19, đoạn Km17+027 đến Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00 đến Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là Dự án do Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) làm nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT 36.71.

 

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt phương án tài chính.

Là công trình hạ tầng trọng điểm, có nhiệm vụ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp 55,7 km Quốc lộ 19 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, thời gian thực hiện từ tháng 12-2013 đến tháng 12-2015.

Mặc dù là nhà thầu, nhà đầu tư lớn, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng tại Dự án này, Tổng công ty 36 và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban quản lý dự án 5 (Bộ Giao thông - Vận tải) đã bị Kiểm toán Nhà nước nhiều lần “giơ thẻ vàng” nhắc nhở.

Theo ghi nhận của cơ quan kiểm toán, tại thời điểm 31-3-2016, tổng nguồn vốn đầu tư Dự án là 1.116 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu (hơn 2.000 tỷ đồng). Sai sót lớn nhất tại Dự án được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nằm ở khâu lập, thẩm định về phê duyệt phương án tài chính (PATC).

Cụ thể, theo PATC Dự án tạm tính ban đầu để ký hợp đồng BOT là 18 năm 4 tháng 23 ngày (1-1-2016 - 20-5-2034). Sau khi Kiểm toán Nhà nước và nhà đầu tư rà soát các chỉ tiêu đầu vào tính đến 31/3/2016 để chạy lại PATC, thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại 10 năm 9 tháng 26 ngày (giảm so với PATC ban đầu hơn 7 năm 6 tháng).

Mặc dù không bị coi là khuyết điểm lớn, nhưng việc Dự án có khối lượng dự phòng (khối lượng và trượt giá) không sử dụng lên tới 447 tỷ đồng; chi phí đầu tư thực hiện giảm 237 tỷ đồng… đã cho thấy sự non kém trong việc xây dựng, thẩm định PATC của Tổng công ty 36 và Ban quản lý dự án 5.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng tại Dự án tồn tại ít nhất 2 lỗi lớn. Đầu tiên là việc doanh nghiệp dự án đã đánh giá năng lực nhà thầu chưa chính xác, dẫn đến trong quá trình thi công phải thay thế nhà thầu do không đảm bảo tiến độ hợp đồng (Công ty TNHH Hoàng Sơn - Gia Lai và Công ty TNHH Hoàng Nhi). Tổng công ty 36 tiến hành ký hợp đồng thi công do nhà thầu trực thuộc tự thực hiện đối với 4 gói thầu XL03, XL04, XL10, XL11 khi chưa có sự chấp thuận của Bộ GTVT. Các gói thầu này được khởi công từ tháng 4/2014, nhưng đến tháng 11-2014, Ban quản lý dự án 5 mới trình Bộ GTVT chấp thuận nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện.

Cũng giống như một số dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, Dự án BOT quốc lộ 19 cũng bị vấp một số hạn chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư. Theo Kiểm toán Nhà nước, Quốc lộ 19 đã được sửa chữa cục bộ, sau đó được thảm bê tông nhựa kết hợp bù vênh vào năm 2020, trong đó có một số đoạn nằm trong phạm vi dự án (tỉnh Bình Định 11,6 km; Gia Lai 17,3 km). Căn cứ kết quả đo cường độ mặt đường cũ của tư vấn lập dự án thì mô đun đàn hồi mặt đường từ 155 mpa đến 205 mpa (mô đun đàn hồi của mặt đường nâng cấp cải tạo tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 155 mpa). Trên cơ sở kết quả kiểm định nêu trên và dựa trên tốc độ phát triển vận tải, tư vấn thiết kế đã tính toán khả năng thông hành xe trên Quốc lộ 19 hiện trạng qua đoạn Bình Định vẫn đảm nhận được đến năm 2020 và đoạn qua tỉnh Gia Lai đảm nhận được đến năm 2025.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra, thẩm định Dự án trình Bộ GTVT phê duyệt lại không đề cập đến khả năng thông hành của tuyến theo kết quả khảo sát của tư vấn.

Dù Kiểm toán Nhà nước không nói rõ hậu quả của sai sót này, nhưng một chuyên gia cho biết, nếu nhà đầu tư tiếp tục cải tạo nền đường đoạn tuyến này sẽ dẫn tới lãng phí lớn, do mặt đường vẫn đảm bảo khả năng khai thác trong thời gian 5 - 10 năm tới.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, việc hồ sơ dự án đầu tư không đánh giá hiệu quả về xã hội là không phù hợp với quy định tại Điều 7, Nghị định số 12/2009/NĐ - CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

“Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm, thực hiện kịp thời các kiến nghị và gửi kết quả về Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV trước ngày 31-3-2017”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Theo dautu

Có thể bạn quan tâm