Kinh tế

Dự án Cạnh tranh nông nghiệp: Hướng đến sự phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 2 năm triển khai dự án Cạnh tranh nông nghiệp, đến nay những hợp phần quan trọng của dự án đã đạt được những kết quả quan trọng. Bước đầu, đã hình thành hướng sản xuất mới như liên minh hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận và nâng cao khả năng cạnh tranh giá trị nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Cùng với 8 tỉnh, thành trong cả nước được Ngân hàng Thế giới và Chính phủ tài trợ vốn trong thời gian 5 năm (2009-2013), mục tiêu cao nhất của Gia Lai là nâng cao khả năng cạnh tranh của những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ được tổ chức lại thành các tổ, nhóm liên kết với các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cung cấp công nghệ sản xuất mới... Nhiệm vụ tập trung vào 4 hợp phần chính gồm: Tăng cường công nghệ trong nông nghiệp, hỗ trợ liên minh sản xuất, cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ quản lý dự án.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Gia Lai, từ năm 2009 đến nay, các hợp phần từng bước được triển khai xuống các địa phương theo đúng quy định và thủ tục. Tại hợp phần tăng cường công nghệ nông nghiệp đã thực hiện một số tiểu hợp phần như: Xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ tổng hợp dịch hại trên cây tiêu (đạt 40% kế hoạch), xây dựng mô hình trồng mì theo hướng bền vững, chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn gia súc trong mùa khô, nhân rộng mô hình “ba giảm ba tăng” trên cây lúa tại huyện Ia Pa...
 
 
Ngoài ra, nhiều mô hình khác cũng đang được cơ quan chuyên môn xem xét phê duyệt. Đặc biệt, hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực khi 3 liên minh đã đi vào hoạt động ổn định gồm: Liên minh sản xuất cà phê Chư Prông, vỗ béo bò An Trung và chế biến  tiêu sọ Chư Sê. Bước đầu các tổ hợp tác nông dân đã liên kết lại cùng các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra theo hướng có lợi và bền vững. Hợp phần cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu tại một số khu vực như: Nâng cấp đường vào khu sản xuất cà phê xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), cầu tràn qua suối Ia Dom (huyện Đức Cơ)… đang trong quá trình xem xét phê duyệt, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Vị-Phó Giám đốc dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh cho biết: Ban đầu triển khai thực hiện, dự án còn gặp nhiều vướng mắc nhưng được các ngành, địa phương từng bước tháo gỡ, đến nay sau 2 năm triển khai, các hợp phần cơ bản đã đi vào hoạt động sản xuất theo đúng mục tiêu đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2011, dự án sẽ cho ra mắt thêm một số liên minh sản xuất bò lai, tiêu bền vững và sản xuất mật ong… đồng thời khởi công xây dựng một số tuyến đường vào các khu sản xuất góp phần tăng năng suất nông nghiệp, giảm chi phí cho nông dân.
Dự án Cạnh tranh nông nghiệp của tỉnh mới đi gần nửa chặng đường nhưng kết quả mang lại đã cho những tín hiệu tích cực khi nông dân và doanh nghiệp cùng nhìn về một hướng để tạo ra nền sản xuất  mới theo hướng cạnh tranh, cùng hưởng lợi. Đặc biệt, dự án góp phần quan trọng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp Gia Lai bền vững, với các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, tiêu…
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm