Kinh tế

Dự án Trung tâm Thương mại TP. Pleiku: Chậm do đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ II năm 2013, dự án Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, ngoài mục đích đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, còn được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng bộ mặt ngày càng hiện đại và khang trang hơn, xứng tầm là đô thị loại I trong tương lai không xa. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chỉ là dự án.

Thời điểm đó, có thể nói Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã rất nhanh nhạy và kịp thời nắm bắt thời cơ khi quyết định đầu tư vào dự án Trung tâm Thương mại Pleiku. Dự kiến, quy mô dự án gồm 7 tầng, với diện tích sàn gần 40.900 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Trong vòng 2 năm (2014-2016), dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo đó, các gian hàng sẽ được bố trí hợp lý hơn, quy củ hơn, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân, sớm chấm dứt tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đó là chưa kể, với quy mô 7 tầng, chắc chắn sẽ có những dịch vụ “ăn theo” như văn phòng cho thuê và các dịch vụ khác, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

 

Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn án binh bất động. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việc chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện dự án là do phương án đầu tư đã được duyệt khi ra ngoài thực địa rất khó triển khai. Vì vậy, dự án phải chỉnh sửa lại phương án xây dựng. Theo quy hoạch đã duyệt cách đây 2 năm (thời điểm diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ II), chủ đầu tư sẽ chỉ xây dựng phần bên trong của trung tâm và giữ nguyên hiện trạng 2 bên đường Thi Sách và Ngô Gia Tự (hay còn gọi là đường A1, A2). Song thực tế, nếu dự án được triển khai, hàng rào bảo vệ công trình sẽ dựng lên ngay sau lưng các hộ dân đang buôn bán dày đặc tại 2 con đường này, chắc chắn công trình sẽ gây ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương cũng như việc đi lại của người dân, thậm chí, có thể gây mất an toàn. Về phía chủ đầu tư, với quy mô như đã duyệt, việc thu hồi vốn sẽ rất khó và rất lâu.

Với những lý do đó, chủ đầu tư đang lập lại dự án với phương án mới dự kiến là sẽ “mượn” luôn phần diện tích 2 bên đường Thi Sách và Ngô Gia Tự (bao gồm tất cả các ki ốt buôn bán của các hộ 2 bên đường) để xây dựng cao lên. Quy mô sẽ không còn là 7 tầng mà sẽ nâng lên nhiều tầng nữa, đồng thời xây dựng tầng hầm để đậu đỗ xe và mở rộng đường. Sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư sẽ trả lại nguyên vẹn phần diện tích cũ cho các chủ ki ốt, còn phần diện tích từ tầng 2 trở đi, chủ đầu tư sẽ dùng làm văn phòng cho thuê hoặc dùng vào các mục đích sử dụng khác. Đây cũng chính là mô hình khu phức hợp được chủ đầu tư tiến hành đầu tư và đã đưa vào sử dụng tại thành phố Yangon (Myanmar).

Được xây dựng năm 1997, có địa thế ngay vị trí trung tâm thành phố, 4 mặt tiếp giáp với 4 trục đường chính của nội thành là Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng và Hoàng Văn Thụ, Trung tâm Thương mại Pleiku có diện tích 14.000 m2  gồm với gần 900 hộ kinh doanh đủ các loại hàng hóa, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố cũng như các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Trung tâm Thương mại vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tầm của một đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I. Số hộ kinh doanh tại đây khá đông nhưng diện tích chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu khiến tiểu thương bán tràn ra đường, gây mất mỹ quan và trật tự đô thị. Hệ thống thoát nước chưa phát huy hiệu quả nên phía bên trong Trung tâm Thương mại, nước thải luôn trong tình trạng đọng nước rất nhếch nhác. Đó là chưa kể những trang bị cần thiết như phương tiện phòng-chống cháy nổ… cũng chưa được đầu tư bài bản. Bởi vậy, việc đầu tư, xây dựng lại Trung tâm Thương mại là nhu cầu có thực và vô cùng cần thiết để một phần bộ mặt đô thị Pleiku được khang trang, sạch đẹp hơn!

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm