Du lịch

Du lịch cộng đồng tại Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát triển du lịch cộng đồng (homestay) là một hướng đi mới nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa vì đây là một thị trường du lịch mới lạ với những sản phẩm du lịch còn nguyên sơ. Đối với Gia Lai nguồn lực về loại hình này rất lớn song chưa khai thác được nhiều.

Từ trung tâm huyện vào xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) khoảng 54 km, đường đi cơ bản là nền đất cứng, một số đoạn đường đã được rải nhựa nhưng vẫn có vài đoạn còn khó đi, nhưng đó mới là điều thú vị của tour du lịch kiểu này. Theo tour này, du khách sẽ đi dọc theo tỉnh lộ 670 vào xã Hà Đông đi qua làng Đak Sơ Mei, qua những con đường ngoằn ngoèo cỏ cây hai bên đường xanh ngút ngàn, không gian thoáng đãng, trong lành.

 

Vào mùa lễ hội. Ảnh: Huy Tịnh
Vào mùa lễ hội. Ảnh: Huy Tịnh

Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Duy Chinh thì cơ sở hạ tầng hiện nay còn khó khăn, nhưng trong thời gian sắp tới sẽ mở ra tuyến đường xuyên qua làng Đak Pdram để sang quốc lộ 14 đi Kon Tum. Khi đó, du khách ở phía Nam của Gia Lai di chuyển từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đi tham quan Kon Tum một cách thuận lợi.

Làng Đak Pdram sẽ là nơi dừng chân qua đêm lý tưởng để du khách thưởng thức văn hóa, văn nghệ tại làng, nền văn hóa đó sẽ đánh thức du khách bằng các điệu múa và điệu nhảy mang đậm chất nghệ thuật dân gian, cùng đốt lửa trại và ca hát, thưởng thức rượu cần, gà nướng chấm muối é, cơm nướng ống... cùng vui say trò chuyện với dân làng suốt đêm.

Hiện tại, làng còn giữ được một số nghề truyền thống như đan lát và dệt thổ cẩm… Các gia đình trong làng cũng còn lưu giữ được nhiều quả bầu khô màu đen nhỏ xinh xắn để trên gác bếp làm quà tặng lưu niệm cho du khách, đó cũng là sản phẩm du lịch (souvenir) để du khách mua làm quà biếu tặng khi đến tham quan và nghỉ tại làng.

Đây là sản phẩm người dân địa phương cần bảo tồn hạt giống, trồng nhân rộng và bán cho du khách để góp phần cải thiện cuộc sống của dân cư địa phương và điều đó khẳng định du lịch cộng đồng làng là biện pháp khá hữu hiệu để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Điều này cũng nằm trong tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng đã được ngành đề ra.

Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng mì vì địa hình ở đây có độ dốc cao, đất pha cát nên không thích hợp cho trồng lúa. Người dân nơi đây biết tận dụng củ mì kết hợp với hạt kê để làm rượu ghè-thứ men ngây ngất làm say đắm lòng người đến và khó quên khi du khách xa nơi này. Tình hình an ninh trật tự nơi đây cơ bản ổn định, điều đó liên quan tới sự an toàn và cảm giác thoải mái của du khách khi nghỉ tại làng.

Du khách đến ngắm và khám phá cảnh quan thiên nhiên cũng như con người nơi đây, cùng hòa vào những sinh hoạt thường nhật của người dân bản địa để tạo nên không khí khác lạ tươi mới trong cuộc sống của chúng ta. Đó là cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ và cùng sinh hoạt với họ để cảm nhận được nét văn hóa tinh túy của mỗi vùng miền với những bản sắc văn hóa riêng biệt. Người dân Hà Đông rất nhiệt tình và hiếu khách, đêm đến cùng du khách đốt lửa trại, múa xoang và kể cho khách nghe về những nét đẹp văn hóa bản sắc của họ.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh ở những vùng nông thôn và vùng núi, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Hà Đông là một điển hình của Đak Đoa nói riêng và Gia Lai nói chung. Tin rằng, nếu có sự quan tâm đúng hướng của các ngành liên quan, của các công ty lữ hành trong tỉnh, điểm tham quan này sẽ thu hút được đông đảo du khách và góp phần cải thiện đời sống kinh tế địa phương.

Bùi Hương Thảo

Có thể bạn quan tâm