(GLO)- Không chỉ sở hữu nhiều điểm đến thiên nhiên thú vị và đẹp mắt, cộng với lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa với “đặc sản” là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhiều di tích lịch sử… Tất cả các yếu tố trên cộng với sự hoang sơ đâu đó còn giữ lại trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, con người đã tạo nên những “mỏ vàng” quý giá để khai thác loại hình du lịch sinh thái-loại hình du lịch đang ngày càng được yêu thích và khuyến khích bởi sự kinh tế và nhân văn.
Mảnh đất giàu tiềm năng
Ngay ở tại Pleiku, du khách cũng đã có thể tham quan, chiêm ngưỡng một số công trình sáng tạo độc đáo của thiên nhiên: Biển Hồ, núi Hàm Rồng… Xuôi về vùng đất Tây Sơn Thượng đạo theo tuyến quốc lộ 19 huyết mạch nối liền cao nguyên Pleiku với Duyên hải Bình Định cũng có nhiều điểm tham quan lý thú: đồi thông Đak Pơ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo… Ngược tuyến quốc lộ 19 theo hướng Tây là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã và đang trở thành điểm nhấn kinh tế quan trọng của tỉnh.
Hồ Ayun Hạ. |
Du khách cũng có thể tới tham quan khu du lịch lòng hồ thủy điện Ia Ly, thác Công Chúa (huyện Chư Pah)… hay thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác 9 tầng, thác Lệ Kim (huyện Ia Grai), khám phá hồ Ayun Hạ-công trình thủy nông lớn bậc nhất Tây Nguyên hay rất nhiều điểm đến thơ mộng khác nằm ở khu vực giao thoa giữa địa hình cao nguyên với đồng bằng duyên hải: Thung lũng Hồng, đèo Tô Na, Bến Mộng, suối Đá Trắng...
Điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho các khu du lịch sinh thái của Gia Lai phần lớn nhờ vào tài nguyên rừng phong phú và địa hình độc đáo, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-một trong 4 vườn quốc gia Việt Nam được Đông Nam Á công nhận là “Vườn Di sản Asean”. Với tổng diện tích khoảng gần 42.000 ha, Kon Ka Kinh là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao (khoảng 2.000 ha) bao gồm các loài cây lá rộng và lá kim. Ngoài ra còn có các loài cây quý hiếm như pơ-mu, trắc, chò đãi, kim giao... Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vùng hiện có trên 652 loài thực vật (trong đó, khoảng 110 loài có thể dùng làm dược liệu), 42 loài thú, 160 loài chim, hơn 51 loài bò sát, ếch nhái và gần 210 loài bướm. Đặc biệt, Vườn Quốc gia còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ, đặc biệt là loài voọc chà vá chân xám-một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới. Kon Ka Kinh còn sở hữu loài chim độc đáo, được xem là biểu tượng của Vườn Quốc gia phong phú và độc đáo nằm giữa Đông và Tây Trường Sơn, đó là loài khướu Kon Ka Kinh (hay còn gọi là khướu tai hung).
Ngoài hệ động-thực vật phong phú, Kon Ka Kinh còn có nhiều suối, thác nước đẹp và hùng vĩ. Những ngôi làng của cư dân bản địa, trong đó chủ yếu là người Bahnar sinh sống quanh khu vực này còn khá hoang sơ, thuần chất, tô điểm thêm nét hoang sơ, kỳ bí-một điều vô cùng thú vị với những ai ưa khám phá. Bởi vậy, Kon Ka Kinh được coi là một trong những nơi khai thác du lịch sinh thái đầy tiềm năng trong tương lai đang được địa phương xây dựng phương án và kế hoạch đầu tư.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về phát triển du lịch sinh thái tại Gia Lai, ngoài Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thì Gia Lai có tới 17 điểm tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn khác, gồm: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chơ Răng, hệ sinh thái rừng khộp, rừng thông Đak Pơ, Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, hồ Ia Ly, thác Phú Cường… Ngoài ra, còn phải kể đến sự góp mặt quan trọng của tài nguyên văn hóa dựa trên các lối sống truyền thống của các dân tộc bản địa với các lễ hội truyền thống đậm bản sắc văn hóa (các phong tục, lễ hội…), hệ thống các di tích lịch sử (Tây Sơn Thượng đạo, Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stơr…), sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống (đan lát, dệt…), đặc sản ẩm thực (cơm lam, rượu ghè…). Đây thực sư là những “mỏ vàng” xanh của ngành công nghiệp không khói địa phương.
Đánh thức “mỏ vàng”
Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, nhận định: Du lịch sinh thái đang là loại hình hút khách bởi sự gần gũi với thiên nhiên, khám phá và tiếp cận với cuộc sống thực tế và góp phần gìn giữ môi trường sinh thái. Bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, hiện nay, loại hình du lịch sinh thái ở Gia Lai vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh từ nay đến năm 2020, đây được xác định là một trong những thế mạnh cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh phát triển.
Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Lê Hòa |
Cũng theo ông Vũ, Gia Lai có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú để phát triển du lịch. Địa hình đồi núi dốc và đặc trưng khí hậu cận nhiệt đới, cao nguyên bazan màu mỡ đã tạo nên những thác nước, sông hồ, khu rừng nguyên sinh với hệ động-thực vật vô cùng phong phú và quý giá. Gia Lai còn là vùng đất có bề dày nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, các tộc người ở Gia Lai vẫn duy trì được một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa, thể hiện qua văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, nhà mồ và các lễ hội truyền thống, y phục, nhạc cụ dân gian...
Bên cạnh đó, những di tích một thời hào hùng của lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường của nhân dân từ ngàn xưa đến nay vẫn còn lưu lại: Khu Di tích Lịch sử Tây Sơn Thương đạo, Chiến thắng Pleime, Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr... Sự phong phú tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Gia Lai tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái-văn hóa đang là loại hình du lịch phát triển nhanh chóng và thu hút rộng rãi sự quan tâm của khách du lịch trên thế giới và trong nước hiện nay.
Thực tế, Gia Lai đã xây dựng được nhiều tuyến du lịch sinh thái bao gồm tuyến nội tỉnh và tuyến gắn kết với quốc gia, như: tuyến nội tỉnh gồm: Pleiku-thác Phú Cường-Ayun Pa, Pleiku-Kông Chro-Ia Pa-Ayun Hạ, Biển Hồ-thác Công Chúa-làng Phung (xã Ia Mơ Nông-huyện Chư Pah)-Ia Ly…; tuyến quốc gia: tuyến đường Đông Trường Sơn từ Kbang-An Khê nối Đak Lak, “Con đường xanh Tây Nguyên” kết nối với các điểm: Biển Hồ-Thác Phú Cường-hồ Ayun Hạ, tuyến du lịch “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” gắn kết với các điểm: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chơ Răng, tuyến du lịch “Ba nước một điểm đến: Việt Nam-Lào-Campuchia” kết hợp các điểm du lịch Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ)-Làng Đê Kop, Đê Ktu (huyện Mang Yang)-Kon Ka Kinh-Tây Sơn Thượng đạo…
Để tạo sức cho sự phát triển của du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng ở một số điểm cũng như kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào các dự án phát triển khu du lịch. “Sắp tới, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết hạ tầng tại một số vùng xác định là vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như Pleiku, An Khê… cũng như tham gia vào quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Đây là bước quan trọng để du lịch Gia Lai hòa mình với quốc gia, khu vực, tăng cường liên kết phát triển du lịch. Thời gian tới, bên cạnh khai thác yếu tố tự nhiên và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch tại chỗ với những kỹ năng, phương pháp làm du lịch cho người dân sở tại là điều cần thiết”- ông Vũ, nhấn mạnh thêm.
Lê Hòa