Du lịch

Du lịch lữ hành cần một hướng đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai các loại kinh doanh dịch vụ du lịch đang từng bước có nét phát triển khá tốt cả về số lượng lẫn chất lượng như: dịch vụ ăn nghỉ với mạng lưới nhà hàng, khách sạn ngày càng nhiều; dịch vụ vận chuyển với sân bay được nâng cấp, các hãng taxi, xe buýt, xe khách ngày càng mở rộng; các điểm mua sắm, vui chơi giải trí cũng được chú trọng đầu tư, từ đó các công ty lữ hành cũng dần từng bước được tạo lập.

Trong 2 năm trở lại đây từ một doanh nghiệp lữ hành Gia Lai Xanh nay đã có 6 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 3 công ty lữ hành nội địa là Công ty Thiên Lộc, Công ty Hải Vân, Công ty Dịch vụ-Du lịch Phố Núi và 3 công ty lữ hành quốc tế với Công ty Lữ hành Gia Lai Xanh, Công ty Du lịch Sinh thái Gia Lai, Công ty Du lịch Pleiku.

 

Du lịch cộng đồng xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Ảnh: P.M.K
Du lịch cộng đồng xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Ảnh: P.M.K

Với số lượng 6 công ty lữ hành cho một tỉnh có một vị trí địa lý khá thuận lợi trong khu vực Tây Nguyên, lại có khá nhiều tiềm năng du lịch văn hóa và sinh thái trên nền tảng của một tỉnh đang có nền kinh tế ngày càng có chiều hướng phát triển tốt là quá ít. Đã vậy hướng đi của các doanh nghiệp này hầu hết đều chưa ổn định và chưa mang tính bền vững qua tham luận của lãnh đạo từng doanh nghiệp lữ hành trong Hội nghị về công tác lữ hành năm 2013 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vào đầu tháng 5-2013 vừa qua.

Trong Hội nghị các đại biểu đều cho rằng muốn nâng cao được hiệu quả kinh doanh trong du lịch từ nguồn khách đến và đi của tỉnh cần có một giải pháp, một hướng đi như: về phía cơ quan nhà nước cần có sự quan tâm nhiều hơn để có được những phương án huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong tỉnh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, các vùng trọng điểm mà trong quy hoạch du lịch của tỉnh từ nay đến 2015 và hướng đến năm 2020 vừa được thông qua.

Trước mắt Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp cần xây dựng một quy chế về hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cả những điểm đến cho du khách, đặc biệt là điểm làng làm du lịch cộng đồng, du lịch homestay và tạo dựng mối liên doanh, liên kết không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành mà còn cả bao hàm các lĩnh vực dịch vụ du lịch khác, tránh sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng là mục tiêu tạo điều kiện cho công ty lữ hành trong tỉnh có “việc làm”.

Về phía doanh nghiệp lữ hành, yếu tố chất lượng sản phẩm dịch vụ, khả năng kết hợp tour vào các tiềm năng về tài nguyên du lịch của tỉnh phải là yếu tố chính để thu hút du khách. Tuy nhiên để làm được việc này các công ty lữ hành phải là đơn vị có tiềm lực mà trong thời điểm hiện nay không phải công ty nào cũng làm được, nên giải pháp liên doanh liên kết đã được Công ty Dịch vu-Du lịch Phố Núi nêu lên, trước mắt là giữa các công ty trong tỉnh về việc tập trung khách lẻ thành đoàn vì mỗi công ty hiện tự tổ chức tour và để đảm bảo lợi nhuận phải có tối thiểu 10-15 khách/chuyến.

Nhưng trên thực tế, lượng khách lẻ đăng ký mua tour tại mỗi công ty lữ hành thường không đạt yêu cầu. Nếu phải chờ cho đến khi đủ số lượng mới khởi hành thì gây bất tiện cho du khách, đưa đến mất khách, vì thế sự liên kết nhằm tập hợp lượng khách lẻ đã đăng ký ở mỗi công ty thành viên về một công ty vừa tạo thuận lợi cho du khách, vừa phục vụ du khách chu đáo hơn.

Như ngay TP. Hồ Chí Minh, một thị trường du lịch lớn cũng đã xây dựng những mô hình liên kết phục vụ khách lẻ cho một chủ đề, một sự kiện như mô hình “Sao lữ hành” là sản phẩm liên kết  của 8 công ty: Tân Á Mỹ, Mai Linh, Fimex, Nam Á, Lis Tourist, Đất Mới, Sao Việt, Airserco Tourist nhằm chung vốn, trao đổi khách lẻ và quảng cáo tiếp thị…

Để phát triển được các dịch vụ du lịch nói chung và hoạt động lữ hành nói riêng, tỉnh cần tạo một hướng đi trong liên doanh, liên kết trong hoạt động và tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước địa phương với các doanh nghiệp làm du lịch.

Phạm Minh Khôi

Có thể bạn quan tâm