Kinh tế

Du lịch trực tuyến: Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch từ lâu đã được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”. Trong ngành du lịch, một lĩnh vực có thể đến rất sớm với cách mạng công nghệ 4.0 và làm ăn phát đạt nhờ cuộc cách mạng này, đó là du lịch trực tuyến.

Nếu tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 25% trong năm 2017 và có thể duy trì tốc độ này tới năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.

 

Ảnh minh họa

Không chỉ du khách quốc tế mà khách du lịch Việt Nam hiện nay đã biết rõ những tiện ích của du lịch trực tuyến và sử dụng những tiện ích này khá thành thạo. Dĩ nhiên, trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, những doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã đi trước doanh nghiệp Việt Nam từ khá lâu. Như trong mảng đặt phòng trực tuyến, riêng 2 trang mạng nước ngoài là Agoda và Booking đã chiếm hơn 80% thị phần ở Việt Nam.

Để tìm được “ngay và luôn” những sản phẩm du lịch tốt nhất với mức giá rẻ nhất có thể, khách du lịch đều chọn du lịch trực tuyến. Lượng khách chọn phương thức mua gói du lịch trực tuyến vì thế ngày càng tăng. Không thể khác, những công ty du lịch lữ hành phải bắt kịp ngay công nghệ trực tuyến này với chất lượng tốt nhất để phục vụ khách hàng. Phương thức phục vụ ấy hoàn toàn đúng hướng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nó là phương thức du lịch cho chúng ta những hình dung rõ nhất về cuộc cách mạng này.

Gia Lai đang tích cực mở những trung tâm du lịch, kết nối những tour du lịch về địa phương mình và từ địa phương mình đi khắp thế giới. Vì thế, du lịch trực tuyến có thể đáp ứng ngay những yêu cầu của một địa phương có tiềm năng du lịch như Gia Lai. Thực ra, du lịch trực tuyến không khó, nhưng vì nó sử dụng nền tảng công nghệ thông tin nên yêu cầu kết nối đồng bộ là yêu cầu đầu tiên. Khách sạn, resort sẽ là những nơi được hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất từ hình thức du lịch này, nhưng đòi hỏi phải đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất sự kết nối trong việc đặt phòng, giới thiệu “gói” du lịch mà mình tổ chức, bên cạnh gói du lịch của công ty lữ hành. Nếu khách du lịch tới Gia Lai yêu cầu được đi chơi Biển Hồ, và sau đó, đi chơi hồ Lak của Đak Lak để so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai hồ lớn này thì khách sạn hay resort sẽ đáp ứng thế nào? Điều đó yêu cầu sự liên kết giữa các vùng du lịch để giới thiệu những đặc sản du lịch của vùng mình, đồng thời kết nối tour du lịch trực tuyến để khách thoải mái lựa chọn.

Chưa bao giờ mà du lịch trong nước có điều kiện để liên kết với nhau chặt chẽ mà thoải mái như hiện nay, khiến những tour du lịch này càng đa dạng và mọi thông số đặt tour đều hiện nhanh nhất trên điện thoại thông minh. Đó chính là cuộc cách mạng 4.0 trong du lịch. Khách du lịch cảm thấy mình chủ động trong mỗi hành trình và được giới thiệu rất kỹ những địa điểm mà mình sẽ tới tham quan hay nghỉ dưỡng. Bằng công nghệ thông tin, các tour du lịch, các trung tâm nhận khách du lịch có thể gắn kết với nhau để hành trình du lịch của khách được mở rộng, kéo dài ngày và sự chia sẻ lợi nhuận từ khách du lịch sẽ khiến tất cả những người tham gia dịch vụ du lịch hài lòng. Sự cạnh tranh ở đây dựa trên nền tảng phục vụ khách, ai phục vụ tốt nhất, ai khiến du khách hài lòng nhất, người ấy sẽ thành công.

Những lợi ích rõ ràng của du lịch trực tuyến thì bây giờ ai cũng thấy. Vấn đề là ứng dụng nó thế nào cho hợp lý nhất, kết nối các mảng dịch vụ du lịch thế nào để sự lựa chọn của khách trở nên dễ dàng nhất và sự phục vụ của các mảng dịch vụ trở nên chuyên nghiệp nhất dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Du lịch trực tuyến khiến chúng ta nhìn thấy ở cuộc cách mạng công nghệ 4.0 một sự dễ chịu và gần gũi. Đó là một điểm cộng dành cho ngành du lịch hiện nay.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm