Sau khi Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria, ông Kofi Annan thông báo sẽ từ chức vào cuối tháng này, Syria và các cường quốc thế giới đã lên tiếng bày tỏ về quyết định của vị cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc này.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Syria ngày 2-8 cho biết Damascus "lấy làm tiếc" về quyết định từ chức của ông Annan, đồng thời cáo buộc các nước tìm cách gây bất ổn Syria đã ngăn cản và tiếp tục cản trở sứ mệnh hòa bình của ông Annan.
Ông Kofi Annan (phải) tuyên bố rút khỏi cương vị Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn A rập (AL). |
Thông báo cũng nhấn mạnh Damascus cam kết chống chủ nghĩa khủng bố nhằm khôi phục an ninh và ổn định, bảo vệ người dân. Bộ Ngoại giao Syria khẳng định nước này vẫn tin rằng cách duy nhất để đưa Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là tiến hành đối thoại và hòa giải dân tộc, và không có bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài.
Phát biểu từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc lấy làm tiếc song cũng hiểu quyết định của ông Annan.
Bắc Kinh đánh giá cao vai trò tích cực và xây dựng của ông Annan trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria, ủng hộ mọi đề xuất có thể giúp giải quyết vấn đề Syria một cách hòa bình, công bằng và phù hợp.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được giải pháp cho vấn đề Syria.
Tại London, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tỏ lấy làm tiếc khi ông Annan không còn đảm giữ vai trò phái viên hòa bình quốc tế về Syria, và mô tả tình hình ở nước này là một "bi kịch". Tuy nhiên, theo ông Putin, cộng đồng quốc tế sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực ở Syria.
Trong khi đó, Nhà Trắng lại đổ lỗi cho Chính phủ Syria, Nga và Trung Quốc là nguyên nhân khiến ông Annan từ chức. Washington chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch hòa bình được Liên hợp quốc ủng hộ cũng như việc Nga và Trung Quốc ba lần ngăn cản các nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell thừa nhận kế hoạch hòa bình của ông Annan vẫn là khuôn khổ để Mỹ tiếp tục thúc đẩy các chính sách của mình tại Syria.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton khẳng định EU sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển giao chính tại Syria.
Thông báo của bà Ashton bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định từ chức của ông Annan, song cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Liên hợp quốc và AL. Bà nhấn mạnh kế hoạch hòa bình sáu điểm vẫn là hy vọng lớn nhất cho người dân Syria và bất cứ hành vi tăng cường hoạt động quân sự nào của các bên chỉ khiến cho người dân quốc gia này cũng như toàn khu vực gánh thêm hậu quả.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser cũng bày tỏ lấy làm tiếc trước việc từ chức của ông Annan, kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết nhằm chấm dứt bạo lực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria.
Trước đó, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan ngày 2-8 đã kêu gọi Nga và Mỹ gánh vác trách nhiệm cứu Syria khỏi cuộc nội chiến thảm khốc khi ông thông báo rút khỏi cương vị phái viên quốc tế về Syria.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của ông Annan, Mỹ vẫn công khai ủng hộ phe đối lập Syria. Mặc dù Nhà Trắng luôn khẳng định chỉ viện trợ các thiết bị không sát thương cho phe đối lập, song các nguồn thạo tin tiết lộ Washington trên thực tế đã cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria thông qua nhiều kênh khác nhau.
Các báo cáo được công bố ngày 2-8 từ các quan chức Mỹ giấu tên xác nhận Tổng thống Obama đã ký một văn bản cho phép "bí mật ủng hộ" phe đối lập và cho phép Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện các điệp vụ mật tại Syria.
Bên cạnh đó, mặc dù không trực tiếp cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, song một số đồng minh của Mỹ như Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện việc này với sự hỗ trợ của Washington.
Chuyên gia của tổ chức dự báo thông tin toàn cầu Reva Bhalla khẳng định có một chiến dịch viện trợ vũ khí cho phe đối lập Syria đang được tiến hành để lật đổ chính phủ đương nhiệm và Mỹ không che giấu sự thật rằng họ đang tham gia cũng như đang sử dụng các kênh bí mật để thực hiện chiến dịch này.
Cùng ngày, Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đóng "vai trò chính" trong việc hậu thuẫn khủng bố bằng việc mở sân bay và biên giới cho các tay súng Al-Qaeda cũng như các lực lượng thánh chiến Hồi giáo khác để tiến hành các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Syria.
Bộ Ngoại giao Syria còn chỉ trích Mỹ và Pháp khi hai nước này thông báo cung cấp tài chính trực tiếp cho các nhóm vũ trang ở Syria và trang bị cho chúng các phương tiện liên lạc để thực hiện các hành động tội ác.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous đã xác nhận với các phóng viên rằng lực lượng nổi dậy ở Syria có vũ khí hạng nặng, trong đó có cả xe tăng và xe bọc thép.
Tại Aleppo, nơi được coi là chiến trường chính trong cuộc nội chiến Syria, ông Ladsous cho biết ngày 2-8, lần đầu tiên quân nổi dậy dùng xe tăng để tấn công một sân bay quân sự ở phía Bắc thành phố này.
Theo các nguồn thạo tin, quân chính phủ đang bao vây Aleppo và giới quân sự dự đoán chiến sự tại thành phố này còn kéo dài. Ngoài ra, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại nhiều nơi khác ở Syria. Các nhân chứng cho biết quân chính phủ đã tấn công dữ dội quân nổi dậy ở thành phố Hama, bao vây quận Abain (Arbaeen), buộc các tay súng phải kêu gọi các khu vực khác đến hỗ trợ.
Liên quan đến hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc tại Syria (UNMIS), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đang chuẩn bị các đề xuất về tương lai của phái bộ này trong bối cảnh thời hạn hoạt động của UNMIS sẽ kết thúc vào ngày 20-8.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nói rằng UNMIS vẫn đóng vai trò quan trọng và hữu ích. Trong khi đó, Đại sứ Pháp Gerard Araud nói rằng các quan sát viên Liên hợp quốc có thể phải rời Syria vì cho đến nay, Hội đồng bảo an vẫn chưa có thỏa thuận mới nào về tương lai của UNMIS.
Đại sứ Pháp còn nói rằng ông không thấy có khả năng Hội đồng bảo an sẽ đạt được một thỏa thuận mới cho phép UNMIS tiếp tục nhiệm vụ tại Syria.
Phương Tây muốn chấm dứt hoạt động của UNMIS trong khi Nga muốn kéo dài thời gian và tăng cường quy mô hoạt động của phái bộ này.
Theo TTXVN