(GLO)- Gặp nhau chúc Tết đầu năm; sau những câu chúc là phát kiến đi du lịch dù chưa biết sẽ đến nơi nào. Đúng 7 giờ tối hôm ấy, bốn người đã xách ba lô, ngay ngắn lên đường.
Đâu cần ngôn ngữ đồng nhất
Ấy là anh khách du lịch người Trung Quốc chúng tôi gặp ở chuyến xe buýt đi Hội An. Người tầm 35 tuổi, đi một mình, dáng đi tất tả với cái ba lô nhỏ xíu trên lưng. Tay cầm một cuốn cẩm nang du lịch Việt Nam và đánh dấu be bét những điểm đến bằng bút dạ màu vàng.
Góc phố Hội An. Ảnh: L.V.T |
Anh người Trung Quốc loay hoay không biết trả bao nhiêu tiền xe buýt thì bé Sơn nhanh nhẹn rút tiền cầm trên tay của anh trả giùm và dặn anh chỉ trả bấy nhiêu cho chuyến xe buýt tiếp theo và nhớ cẩn thận coi chừng bị móc túi, rất chuyên nghiệp bằng tiếng Việt Nam. Nhìn mặt anh người Trung Quốc ngớ ra mà chúng tôi không nhịn được cười. Và từ lúc ấy anh đi theo chúng tôi lê la khắp Hội An.
Anh tự giới thiệu với chúng tôi, tên anh là Zeng-kỹ sư máy tính, vẫn còn độc thân. Anh khoe hộ chiếu cho chúng tôi xem thì chúng tôi há hốc mồm nhìn những nước anh đã đi. Hơn 50 nước anh đi qua với vốn tiếng Anh lõm bõm ngang ngửa chúng tôi. Anh chỉ vào dấu chứng thực của nước Palestine và làm động tác cho chúng tôi hiểu bằng cách giơ hai ngón tay làm súng và miệng thì cứ bằng bằng chiếu chiếu làm chúng tôi cười nghiêng ngả.
Sau hai ngày đi chơi cùng nhau, anh Zeng chào tạm biệt chúng tôi để đi tiếp cuộc hành trình của mình. Anh bảo nếu đến Trung Quốc thì anh sẽ làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho chúng tôi và không quên để lại địa chỉ email và số điện thoại cho chúng tôi khi cần liên lạc.
Bà Nà Hill. Ảnh: L.V.T |
Cố đô thanh tịnh
Chúng tôi rời Đà Nẵng đến Huế sau ba ngày rong ruổi.
Đến với Huế lần nào tôi cũng có một cảm giác giống nhau, đó là nét trầm mặc của những con phố, những cây cầu, những hàng phượng rủ hai bên đường. Con người thì nhẹ nhàng và chậm rãi. Đến Huế tôi quên mất mình cũng là con người tất bật lo toan hàng ngày, để thả hồn mình vào nét thơ, nét thanh tịnh của một cố đô vương thịnh một thời. Không khí Huế ngày Xuân là những cơn mưa sụt sùi con gái. Khí hậu lạnh buốt như thấu vào xương. Thế mới hiểu vì sao Tết người Huế thường hay ở trong nhà, chỉ đi thăm bà con láng giềng rồi lại trở về nhà chứ họ rất ít đi chơi, có chăng thì cũng là những thanh niên tuổi teen còn ham những điều mới lạ.
Huế là cái nôi của phong kiến ngày xưa, chính vì vậy việc cúng bái tổ tiên cũng trở nên cầu kỳ, kỹ càng và khắt khe. Ngày xuân thường luôn có một người túc trực ở nhà để lo chuyện cúng kiếng. Một ngày cúng ba lần sáng-trưa-chiều. Mỗi một món đồ cúng, nấu chỉ đủ để trong một cái dĩa nhỏ, hay chén nhỏ. Thường phải có các món chủ đạo là: món xào, món thịt, món cá, tôm và món canh. Mỗi một món chủ đạo có thể được nấu nhiều món nhưng không khác nhau hoàn toàn mà na ná nhau. Món ăn của Huế cầu kỳ hơn những nơi khác, tất cả đều nhỏ nhỏ, ít ít, nhiều món. Điều này nói lên bản tính chịu khó, cần cù, kiên nhẫn cũng như khéo léo của người phụ nữ Huế.
Tết Huế, tôi chỉ thích ăn bánh chưng với củ hành ngâm chua, nó có vị hăng, mặn, chua nhưng kết hợp lại rất ngon với nếp dẻo của bánh, càng ăn càng có vị ngọt trong miệng. Thức ăn vặt lề đường thì nhiều vô kể, như là món bún bò, ốc um, cơm hến, bún hến... Giá rẻ bất ngờ nhưng ăn món nào xong thì cũng phải hít hà vì quá cay.
Lễ chùa đầu Xuân
Lễ chùa đầu Xuân cầu phúc, an khang trong năm mới cho gia đình, bạn bè, người thân là một nét đẹp văn hóa tồn tại bao đời nay của người Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy mà lượt người đổ về các ngôi chùa không hề nhỏ, ai cũng mong cho gia đình của mình một năm mới yên vui hạnh phúc.
Huế có một điểm đến tuyệt vời mà không phải khách tham quan nào cũng biết, đó là chùa Huyền Không Sơn Thượng, ở thôn Nham Biền, huyện Hương Trà, cách Huế khoảng hơn 10 km. Để đến được nơi này phải đi qua một khu rừng vắng vẻ, những đoạn đường dốc quanh co. Đi, đến và cảm nhận cái không khí nơi cõi Phật trong một buổi sáng trong lành, mát mẻ, thưởng thức những bức thư pháp hay và đầy ý nghĩa của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
Huyền Không Sơn Thượng. Ảnh: L.V.T |
Đây là nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi, là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, khoe chữ… Vì lẽ đó, thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng tam quan… Ngắm chữ Phật khắc trên phiến đá phía bờ đối diện, bay bổng và trang nghiêm, chợt thấy tâm hồn bình an kỳ lạ.
Đến những ngôi chùa Thiền Lâm, Linh Quang, Thiên Mụ… cảm nhận được sự tĩnh lặng giữa thiên nhiên đẹp như một bức tranh của cuộc sống và không khỏi chua xót khi đi từng bậc thang lại thấy những người vô gia cư, ăn xin, dường như đang tràn ngập trước cổng chùa. Họ lạy những người đi qua đi lại cho tiền họ như những vị thánh sống, những em bé cũng bắt chước làm theo với đôi mắt to tròn ngây thơ.
Đi chỗ nào cũng thấy người ăn xin, trong khi ở Đà Nẵng không thấy bóng dáng của một người nào. Có người nói đùa bên Đà Nẵng họ bị bắt hết, nên phải chạy qua Huế để làm ăn, nghe mà không khỏi chạnh lòng. Liệu trong những người quỳ lạy kia, bao nhiêu người khó khăn, cần sự thương cảm thật? Bao nhiêu người lợi dụng vào sự thương cảm của con người để “làm ăn”?
*
Một mùa Xuân mới sắp đến. Du lịch vào dịp Xuân, đang trở thành một xu hướng mới, giúp cho gia đình có thời gian bên nhau, để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc, gắn kết trong cuộc sống. Những chuyến du Xuân, vui có, buồn có. Nhưng mỗi chuyến đi, luôn để lại cho một ấn tượng sâu sắc và đó cũng chính là một niềm hứng khởi để chúng tôi tiếp tục cho chuyến đi sắp tới của mình.
Lê Vi Thủy