Hội thi “Giới thiệu sách kỹ thuật nông nghiệp” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai phối hợp với Hội nông dân, Tỉnh đoàn tổ chức vừa khép lại. Hội thi đã giúp nông dân tiếp cận dễ dàng kiến thức khoa học kỹ thuật qua sách.
Giới thiệu sách kỹ thuật nông nghiệp thông qua những tiểu phẩm sinh động. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Các đội đến với Hội thi không chỉ giới thiệu sách kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà còn là kinh nghiệm thực tiễn của chính nông dân. Do đó, Hội thi cung cấp cho nông dân các địa phương những mô hình hay, cây trồng, vật nuôi thích hợp, đồng thời giới thiệu tên sách để họ tìm hiểu và áp dụng. “Hiện sách hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp ở Thư viện huyện rất phong phú, đa dạng nhưng chúng tôi vẫn lúng túng khi lựa chọn sách tham khảo. Hội thi đã chọn lọc và giới thiệu những cuốn sách hay, thiết thực, chúng tôi dễ tìm và lựa chọn thông tin hơn”-thành viên đội Chư Pah, ông Rơ Châm Hyup-xã Ia Mơ Nông nói.
Với những nông dân “chính hiệu” như Đinh Êu ở làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro), Hội thi đã cho ông những kiến thức mới mẻ với loại cây trồng không mới với bản thân ông-cây đậu xanh: “Dân làng Nghe Lớn, làng Bơ Yang, làng Tơng… trồng đậu xanh rất nhiều. Nhà tôi cũng trồng 6 sào từ nhiều năm nay, nhưng chỉ bắt chước, dân làng bỏ hạt chờ thu hoạch chứ không biết kỹ thuật trồng và chăm sóc giống cây này. Tham gia Hội thi, tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích như: Cây đậu chỉ thích hợp với thời tiết nắng nóng, mưa nhiều sẽ giảm năng suất; phải phun thuốc trừ sâu vào lúc cây ra hoa sẽ phòng trừ sâu bệnh khi kết trái… Sau Hội thi này, tôi sẽ giới thiệu thêm về cuốn sách để bà con tham khảo. Cái khó là nhiều người không đọc sỏi tiếng Kinh”. Ông cho biết thêm, diện tích các cây họ đậu chiếm 12% trên tổng diện tích gieo trồng và là một trong 4 loại cây trồng chủ yếu của huyện. Nếu người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, chắc chắn sẽ cho năng suất cao hơn.
Nói về thực trạng tìm hiểu kỹ thuật nông nghiệp qua sách, anh Nguyễn Phước Hưng-cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro cho hay: “Nông dân tìm đến sách còn hạn chế, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, học hỏi nhau. Những Hội thi như thế này rất bổ ích, giới thiệu được những cuốn sách kỹ thuật cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng với trên 70% nông dân trong huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, nếu trong tương lai gần, những cuốn sách này được dịch ra tiếng Jrai, Bahnar thì chắc chắn họ sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích. Họ phải thấy lợi ích của sách thì họ mới tìm đến”.
Nguyên Bình