Giáo dục

Đưa trò chơi dân gian vào hoạt động dạy học: Nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, nhiều trường mầm non tại Gia Lai đã đưa các trò chơi dân gian vào môi trường học tập. Ðây là phương pháp học tập mới giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Giờ học của trẻ lớp 4-5 tuổi tại Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) tràn ngập tiếng cười bởi cô và trò cùng nhau hòa mình vào các trò chơi dân gian như: mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê… Em Siu Thạch hào hứng cho biết: “Những trò chơi này rất vui. Em và các bạn được cô giáo hướng dẫn nên ai cũng chơi rất giỏi”.

Trường Mầm non Tuổi Hoa có gần 200 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 96%. Ngay từ đầu năm học 2024-2025, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch đưa các trò chơi dân gian vào môi trường học tập. “Giáo viên đã tìm hiểu, kết hợp trò chơi phù hợp với các tiết học, giờ ngoại khóa nhằm tạo hứng thú nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ. Không chỉ tạo sự cuốn hút, hấp dẫn cho giờ học mà phương pháp này còn giúp trẻ phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo”-cô Tống Thị Thương chia sẻ.

Tại Trường Mẫu giáo H’Ra (xã Hra, huyện Mang Yang), các trò chơi dân gian được nhà trường lồng ghép tổ chức trong các tiết học và hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc sau giờ ngủ trưa của trẻ. Đối với những trẻ từ 2 đến 3 tuổi, nhà trường cho các em tham gia những trò chơi dễ nhớ, dễ thực hiện như: chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống… Với các bé từ 4 đến 5 tuổi được chơi các trò như: mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê…

Cô Nguyễn Trịnh Hiệp-Giáo viên nhà trường-cho biết: “Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, tôi thường tổ chức cho trẻ chơi những trò chơi dân gian ở trong lớp và ngoài trời. Các hoạt động này giúp trẻ được rèn luyện sức khỏe, tinh thần, góp phần để nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện ở cấp học mầm non”.

Học sinh Trường Mẫu giáo H’Ra (xã Hra, huyện Mang Yang) tham gia các trò chơi dân gian. Ảnh: M.K

Hiệu trưởng Mẫu giáo H’Ra Lưu Thị Hồng thông tin: Nhà trường có 13 lớp với 464 trẻ, trong đó có 368 trẻ người dân tộc thiểu số. Nhà trường đã lựa chọn trò chơi hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của học sinh trường mình.

Các trò chơi được chọn lọc, đảm bảo tính giáo dục, an toàn, vệ sinh. Nhà trường đã lên kế hoạch đưa trò chơi dân gian vào các giờ hoạt động ngoài trời và giờ thể dục chính khóa. Các trò chơi dân gian tạo sức hấp dẫn với trẻ. Phương pháp này giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Trong các hoạt động giáo dục, Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào cho trẻ trải nghiệm ở cả trong và ngoài lớp học. Thông qua các trò chơi, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, các bé chơi mà học, học mà chơi để phát triển trí tuệ, rèn luyện sự nhanh nhẹn. Ở mỗi lớp, các em được tổ chức chơi những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi và hào hứng khi tham gia các hoạt động này.

Cô Trần Thị Thoa-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập. Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tích lũy kiến thức, rèn luyện thể chất...

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nội dung này rất phù hợp, nhất là ở bậc học mầm non vì đặc thù lứa tuổi, các em được tham gia hoạt động ngoài trời, hòa mình vào các trò chơi, có điều kiện rèn luyện thân thể”.

Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào cho trẻ trải nghiệm. Ảnh: M.K

Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho hay: Vui chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”.

Trên cơ sở các trò chơi theo kế hoạch hiện tại của trường như: trò chơi học tập, trò chơi dân gian, trò chơi vận động, trò chơi phân vai… giáo viên thiết kế các nội dung kết hợp theo chủ đề, bảo đảm đạt được mục tiêu giáo dục và thực hiện đúng phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp lứa tuổi. Giáo viên vận dụng linh hoạt không gian, thời gian để bảo đảm cho trẻ được khám phá, trải nghiệm và vui chơi phù hợp với chủ đề, bối cảnh và khả năng thích ứng của trẻ, giúp tăng sự tương tác của trẻ.

Có thể bạn quan tâm