Trước năm 2004, gia đình bà Rcom H’Ngak, dân tộc Jrai ở buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, Gia Lai) hoàn cảnh rất khó khăn. Hiểu cảnh khó khăn của bà, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Ia Pa cho vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi để mua 1 con bò cái về nuôi, đến năm 2008, bò mẹ đã đẻ được 4 con. Bà H’Ngak bán bớt 1 con, trả hết tiền vay đến hạn cho Ngân hàng và tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng để mua 1 sào ruộng nước và nuôi thêm 2 con heo nái.
Thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng
Nhờ được vay vốn, nhiều hộ nghèo huyện Ia Pa trở nên khá giả. Ảnh: Đức Phương |
Nói về con đường thoát nghèo của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Nam ở thôn 3 xã Kim Tân (huyện Ia Pa) xúc động: “Nếu không có Ngân hàng CSXH cho vay vốn để chăn nuôi bò thì có lẽ gia đình tôi vẫn còn nghèo khổ mãi”. Trước đây, nhà ông Nam đông con lại không có vốn liếng hay nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ đi làm thuê làm mướn nên rơi vào số ít hộ nghèo nhất xã Kim Tân. Năm 2004, ông được Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa cho vay 5 triệu đồng mua 2 con bò cái về nuôi. Bò mẹ đẻ bò con, đến nay sau khi bán bớt bò để trả nợ ngân hàng, đàn bò của ông còn 5 con và ông đã mua được ruộng nước, máy xới đất. Đầu năm 2009 gia đình ông Nam thoát khỏi diện nghèo và hiện đang là một trong những hộ khá giả của thôn.
Tạo mọi điều kiện cho người nghèo
Ông Lê Hoài Nam- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Ia Pa cho biết: Thủ tục cho hộ nghèo vay vốn ngày càng đơn giản, giảm giấy tờ và sự rườm rà, phiền hà không cần thiết. Do phối hợp tốt với chính quyền địa phương thực hiện phương thức ủy thác cho vay tín chấp thông qua Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng vốn được giải ngân đúng địa chỉ và được hỗ trợ, tư vấn, giám sát sử dụng đúng mục đích nên đã hiệu quả.
Đến nay, Ngân hàng CSXH Ia Pa phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng được 177 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố của 9 xã trong huyện. Việc xác định hộ nghèo được vay vốn do các tổ bình xét theo tiêu chí dưới sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, sau đó xã xác nhận, gửi Ngân hàng xem xét. Cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH sẽ xuống điểm giao dịch đặt tại UBND xã để lập hồ sơ cho vay. Hộ nghèo vay vốn thực hiện nhận tiền vốn, trả tiền lãi ngay tại các điểm giao dịch này nên giảm bớt chi phí đi lại, an toàn và tiết kiệm.
Đến đầu tháng 6-2011, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Ia Pa đã giải ngân cho 7.923 hộ vay với tổng dư nợ 92 tỷ đồng; trong đó, có 4.490 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 46,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,66% so với tổng dư nợ với số tiền 2,4 tỷ đồng. |
Đức Phương