Kinh tế

Đức Cơ: Sản xuất vụ mùa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch, vụ mùa 2014, huyện Đức Cơ gieo trồng 3.890 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 340 ha, lúa rẫy 100 ha, mì 3.000 ha, bắp 80 ha, đậu các loại 40 ha, rau các loại 80 ha, cao su trồng mới 200 ha, đậu phộng 50 ha… Để đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, tránh sâu bệnh hại và phòng tránh nắng hạn, cơ quan chuyên môn đã đưa ra lịch thời vụ cụ thể từng loại cây trồng như đối với cây lúa nước gieo sạ từ ngày 10 đến 20-6; cây bắp vụ 1 từ ngày 25-5 đến 10-6 và vụ 2 gieo trồng vào thời điểm 15 đến 25-8; cây công nghiệp dài ngày trồng từ ngày 5-6 đến 15-7; các loại rau màu và đậu các loại trồng rải rác tùy thuộc vào thời tiết và lịch thời vụ từng loại rau màu…
 

Ảnh: Đức Thụy

Ngoài ra, huyện chỉ đạo cho các địa phương tích cực hướng dẫn, đôn đốc và khuyến cáo người dân chỉ gieo trồng khi đất đã đủ ẩm, điều kiện thời tiết thuận lợi, xuống giống nhanh gọn, tập trung. Cùng với lịch gieo trồng cụ thể, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân trồng một số loại giống chính trong vụ mùa này như: đối với cây lúa sử dụng giống từ 105 đến 110 ngày Hương Thơm 1, D9V108, TBR-1, Nhị Ưu 838; giống bắp lai C919, CP888, LVN10; giống mì KM94, KM140; giống cao su PB260, Lai Hoa, PB312, RRIM600, RRIC121…

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cải tạo, tái canh một số cây trồng cũng được triển khai. Việc chuyển đổi được người dân chủ động thực hiện, hướng vào những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su… Những diện tích không thể trồng lúa hoặc khu vực không có công trình thủy lợi, chuyển đổi sang trồng bắp, đậu phộng, rau và các cây ngắn ngày, hay tập trung làm vụ Đông Xuân.

Theo thống kê, tổng diện tích lúa trong những năm qua liên tục giảm. Nếu như năm 2009 trên địa bàn huyện có 403 ha lúa thì đến năm 2013 giảm xuống còn 304 ha. Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết nguyên nhân: Do lúa giá trị thấp hơn một số loại cây trồng khác, một số nơi không có công trình thủy lợi, phụ thuộc vào thời tiết, mức độ rủi ro cao nên người dân đã chuyển dần sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Ngoài cây lúa, cây cà phê trên địa bàn phần lớn được trồng cách đây hơn 20 năm đã già cỗi, giống không được chọn lọc kỹ nên năng suất giảm vì vậy huyện thực hiện chủ trương tái canh. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, huyện đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Với chủ trương thực hiện tốt công tác chuyển đổi giống cây trồng, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ cấp giống, phân bón không thu tiền; ưu tiên trợ giá giống cà phê phục vụ trồng tái canh cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo với mức 3.000 đồng/cây, nhân dân đóng góp 1.000 đồng/cây; trợ giá 70% các loại giống lúa, bắp lai cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời để giúp người dân nâng cao kiến thức chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua các lớp trồng, chăm sóc cà phê và hồ tiêu, chăm sóc và cạo mủ cao su do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức; xây dựng, nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống trên cây hồ tiêu; mô hình tưới nước nhỏ giọt và ICM trên cây cà phê…

Hy vọng sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu vụ sẽ giúp người dân sản xuất vụ mùa thắng lợi.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm