Tin tức

Đức phản đối ý tưởng phát hành trái phiếu chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Merkel nhất quyết phản đối eurobond.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn nhất quyết phản đối ý tưởng phát hành trái phiếu chung châu Âu (eurobond) và cho phép Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hành động như là người cho vay cuối cùng đối với cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.

Phát biểu tại một hội nghị ở Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh chưa tới lúc tranh cãi về eurobond. Theo bà, nếu phải tranh luận về eurobond thì thời điểm thích hợp có lẽ là khi kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, chứ không phải vào thời điểm này, khi mà cuộc khủng hoảng đang diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn.

Theo bản dự thảo đề xuất mà AFP có được, EC vừa giới thiệu dự thảo được gọi là trái phiếu ổn định, công cụ được kỳ vọng có thể kéo lãi suất vay mượn của các nước đang chật vật với khó khăn xuống khá nhanh.

Tuy nhiên, ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của Đức bởi lo ngại là nền kinh tế lớn nhất Eurozone và có chi phí vay mượn thấp nhất Berlin sẽ phải "cưu mang" các nước khác. Chủ đề eurobond có thể sẽ bao trùm các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Nicolas Sarkozy và tân Thủ tướng Italy Mario Monti tại Strasbourg trong ngày 24-11.

Trước khi diễn ra hội đàm Thủ tướng Pháp Francois Fillon thừa nhận khó thuyết phục Đức về sự cần thiết thay đổi cách thức hoạt động của ECB.

Đức kiên quyết gắn vào sự độc lập của ECB và lo ngại việc ECB mua trái phiếu trên quy mô lớn của các nền kinh tế lâm nguy sẽ thổi bùng lạm phát. Berlin vẫn bị ám ảnh bởi những gì diễn ra trong thập niên 20 của thế kỷ trước khi Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) in tiền không giới hạn, dẫn tới siêu lạm phát và suy thoái kinh tế.

Cùng chia sẻ quan điểm đó Thống đốc Bundesbank, Jens Weidmann, nhấn mạnh ECB không được phép thực hiện vai trò đó. ECB có không có nhiệm vụ, thậm chí bị cấm tài trợ cho ngân sách các nước thành viên.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định trước Quốc hội Đức rằng Đức gắn một đồng tiền ổn định với một ngân hàng độc lập và ngân hàng trung ương không tài trợ cho các nước thành viên.

Theo Thủ tướng Merkel, thay vì eurobond Liên minh châu Âu (EU) nên tập trung vào việc thay đổi các hiệp ước, cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn ngân sách và cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện. Bà nói: "Tình hình bất thường đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh bất thường", đồng thời giữ vững quan điểm "nếu đồng euro sụp đổ, châu Âu sẽ tan rã".

Trong khi đó, Ủy viên kinh tế và tiền tệ EU, Olli Rehn, cũng thừa nhận cần đưa ra các quy tắc tài khóa cứng rắn song hành với việc giới thiệu eurobond. Như vậy cũng có nghĩa là bất cứ loại eurobond nào cũng phải thực hiện song song với việc giám sát tài khóa và điều phối chính sách.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm