Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đừng dạy bầu Đức làm bóng đá!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bầu Đức là một trong những người tiên phong cho những mô hình làm bóng đá khác nhau ở Việt Nam.
Từ mùa giải 2000/01, V.League bắt đầu chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, bầu Đức đã đầu tư vào làm bóng đá. Ông là người đã tiên phong cho mô hình chi nhiều tiền mua ngôi sao, trả tiền lót tay và thưởng tuỳ hứng.., phong cách điển hình của các ông bầu Việt Nam sau này.
HAGL đã mang về hàng loạt các ngôi sao lớn như Dusit, Lee Nguyễn, Huỳnh Kesley, Thong Lao, Việt Thắng... Đặc biệt là sự xuất hiện của Kiatisak như một hiện tượng của Đông Nam Á thời điểm đó.

Bầu Đức ăn mừng U19 HAGL lên ngôi vô địch giải U21 quốc tế 2014. Ảnh: Minh Tùng
Bầu Đức ăn mừng U19 HAGL lên ngôi vô địch giải U21 quốc tế 2014. Ảnh: Minh Tùng
HAGL trở thành điểm đến mơ ước của nhiều cầu thủ ở V.League. Họ vô địch ngay sau khi lên hạng các năm 2003, 2004. Đó cũng là dấu ấn mà những ngôi sao lớn để lại.
V.League cũng bắt đầu một giai đoạn kim tiền khi lần lượt xuất hiện nhiều ông bầu vung tiền làm bóng đá. Từ bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Long, bầu Trường, bầu Đệ, bầu Thuỵ, bầu Hiển... đều có những phong cách chung như vây.
Bầu Đức đã công bố một con số "khủng" là sau 20 năm, ông đã bỏ ra một số tiền khổng lồ, lên đến gần 2.000 tỉ để làm bóng đá.
Năm 2007, bầu Đức lại là người tiên phong trong mô hình làm bóng đá trẻ. Sau chuyến du đấu của HAGL tại Anh, huấn luyện viên Wenger của Arsenal thời điểm đó đã đưa ra lời khuyên bầu Đức là muốn thành công và phát triển một cách căn cơ bài bản, phải đào tạo trẻ. Đấy mới là con đường phát triển bền vững.
Bầu Đức chặt bỏ cao su để xây dựng Học viện HAGL Asenal JMG ở Hàm Rồng. Cái bắt tay định mệnh giữa bầu Đức và Wenger đã cho ra đời lứa cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn…
Và cũng chính bầu Đức đã đưa toàn bộ lứa cầu thủ này lên chơi ở V.League 2015 khi tất cả mới ở độ tuổi 19. Dù không thành công ở V.League nhưng dấu ấn của thế hệ này chính là đóng góp cho các đội tuyển quốc gia.
Sau 6 mùa giải chơi ở V.League, HAGL đã không có được thành tích tốt. Nói đúng hơn thì bầu Đức đã không còn đầu tư cho đội bóng để đua vô địch. Nói như ông thì đây là thời điểm mà cuộc chơi V.League không sòng phẳng khi vẫn tồn tại tình trạng một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng.
Và chính bầu Đức cũng thừa nhận rằng, giai đoạn này ông ít tiền đầu tư hơn các ông bầu khác. Vì vậy mà HAGL trong một giai đoạn dài không có động lực thi đấu tốt.

Bầu Đức và Kiatisak trong cuộc “kết duyên” đầu tiên năm 2002. Ảnh: Bạch Dương
Bầu Đức và Kiatisak trong cuộc “kết duyên” đầu tiên năm 2002. Ảnh: Bạch Dương
Bầu Đức đã chia sẻ với báo chí rằng: "Một câu lạc bộ xây dựng nên học viện như thế thì người ta hiểu mình cần làm gì. Tôi khuyên mọi người là đừng dạy HAGL làm bóng đá. Chúng tôi đã làm được những gì cho bóng đá VN thì mọi người đã thấy rồi đó.
Tôi lấy ví dụ, từ năm 2014 đến năm 2017, ai là người đem khán giả đến đầy sân như CLB HAGL? Đội đi đến đâu là sân "vỡ" đến đó, trước giờ làm gì có cảnh đó. Vậy HAGL có biết làm bóng đá không? Vậy mà người ta cứ dạy đời tại sao không cho cầu thủ HAGL chuyển nhượng đội này hay đến đội kia".
Sau mùa giải 2020, bầu Đức đã gây chú ý khi gọi trở lại huấn luyện viên Kiatisak để chiều lòng cac cầu thủ HAGL. Bầu Đức gọi lại công thần, biểu tượng vinh quang của HAGL trong quá khứ, tuy nhiên ông cũng không đặt mục tiêu vô địch. Nói là vậy, nhưng chắc chắn Kiatisak không trở lại Việt Nam để làm xấu đi bản lý lịch của mình. Chắc chắn, Zico Thái có tham vọng cho cuộc chơi lớn lần thứ 3 với HAGL.
Đừng dạy bầu Đức làm bóng đá khi ông luôn là người tiên phong cho xu hướng làm bóng đá ở Việt Nam. Chính ông cũng "ngửi" ra thời cuộc để hiểu rằng, khi nào cần đầu tư cho bóng đá.
Nhìn những thành tựu của bầu Đức, đó là lời khẳng định đanh thép nhất...
PHẠM ĐÌNH (LĐO)
https://laodong.vn/bong-da/dung-day-bau-duc-lam-bong-da-856719.ldo

Có thể bạn quan tâm