(GLO)- Từ vụ đổ sập đập thượng lưu thủy điện Đak Mek 3 tại Kon Tum và lộ rõ những hạn chế trong việc quản lý thi công của chủ đầu tư, chúng tôi đã tìm hiểu đến các cơ quan chức năng địa phương và thấy rằng có quá nhiều bất cập trong việc “thả nổi” cho các chủ đầu tư tư nhân làm thủy điện.
Đầu tư đến cả thủy điện 2 MW
Trừ 15 công trình đã thu hồi chủ trương đầu tư, Kon Tum hiện có 50 công trình thủy điện vừa và nhỏ; trong đó nhiều công trình đang lập báo cáo xin phép đầu tư, lập dự án đầu tư… Những công trình trên gần như trải đều trên địa bàn các huyện của tỉnh.
Đập thủy điện Đak Mek 3 bị vỡ thêm một lần báo động về việc “thả nổi” xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Ảnh: H.T |
Ngoài công trình thủy điện Đak Mi 1 (huyện Đak Glei, công suất 54 MW do Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức-Kon Tum làm chủ đầu tư) và thủy điện Đak Re (huyện Kon Plông, công suất 60 MW, đang lập dự án đầu tư, do Công ty TNHH Thiên Tân-Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) thì hầu như các công trình còn lại đều có công suất nhỏ. Có những thủy điện như Đak Pia do Công ty TNHH Trung Việt-Kon Tum làm chủ đầu tư chỉ có công suất 2,20 MW; thủy điện Đak Brot (Công ty CP Phúc Kim Tâm), Đak Xú (Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Mạnh Việt, đều đang triển khai xây dựng) chỉ có công suất 2 MW.
Trong bảng thống kê danh sách các công trình thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum, có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này, kiểu “nhà nhà làm thủy điện”. Trong khi đó, với 65 công trình thủy điện trên ước sẽ ảnh hưởng tới gần 4 ngàn ha đất rừng và các loại đất khác (trung bình để sản xuất 1 MW điện phải mất 7,64 ha đất).
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum thì đến nay có 27 dự án đã hoàn tất về thủ tục môi trường. Tuy nhiên, đa số các dự án thủy điện không thực hiện việc đánh giá tác động môi trường cho các công trình, hạng mục của các dự án như: xây dựng khu tái định canh, định cư, đường dây tải điện, đường giao thông, mỏ đá phục vụ thi công dự án.
Báo cáo cũng nêu rõ: Ngoài lợi ích nói chung thì các công trình thủy điện có những tác động tiêu cực như: Tăng lưu lượng nước mùa lũ và giảm lưu lượng nước mùa kiệt. Sự tăng lên của các công trình thủy điện và nhiều công trình khác đồng nghĩa với sự thay đổi lưu lượng, dòng chảy tự nhiên của các dòng sông, suối. Đó là chưa nói hầu hết công nghệ, thiết bị các công trình thủy điện nhỏ đều của Trung Quốc nên thiếu hoặc không có hệ thống tách dầu từ nước làm mát tuabin, nước thải nhiễm dầu được xả ra nguồn tiếp nhận.
Cần có thay đổi về cơ chế quản lý
Chưa nói đến sự ảnh hưởng nhiều mặt của các thủy điện vừa và nhỏ như nêu trên. Hãy nói tới những sai phạm nghiêm trọng trong thi công công trình như vừa xảy ra ở thủy điện Đak Rông 3 (Quảng Trị) và Đak Mek 3 (Kon Tum) thì mới thấy đang có một lỗ hổng trong việc giám sát, quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước đối với những công trình dạng này.
Khoản 1, Điều 4 của nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Chính phủ ban hành có ghi: Dự án sử dụng vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư thì phải được giám sát, đánh giá đầu tư. Đối với dự án sử dụng vốn khác, việc giám sát, đánh giá đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.
Vì vậy khi thủy điện Đak Mek 3 vỡ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện chất lượng công trình quá kém. Thân đập được sử dụng đất, cát, đá thay thế bê tông đá hộc như trong thiết kế cơ sở.
Ông Bùi Văn Cư- Phó Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết: “Các công trình của tư nhân thì cơ quan quản lý của nhà nước không được tham gia giám sát mà chỉ quản lý về mặt quy hoạch”. Tuy nhiên, cứ như vậy đến khi xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội chứ không chỉ là một chủ đầu tư hay đơn vị thi công!
Về điều này, ông Đặng Thanh Long-người phát ngôn của UBND tỉnh Kon Tum cho hay: “UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát lại các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, nếu công trình nào không đảm bảo sẽ có biện pháp xử lý”.
Thiết nghĩ, không chỉ “rà soát lại” mà các địa phương cần chặt chẽ hơn, cân nhắc hơn trước khi quyết định đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ, tránh sự đã rồi.
Hoàng Thanh