Kinh tế

Dừng giao khoán bảo vệ rừng có hưởng lợi- Vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng có hưởng lợi cho 5 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp: Ia Pa, Kông Chiêng, Kông H’De, Ka Nak và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê; tổng diện tích rừng được giao khoán gần 5.500 ha; tổng số hộ nhận khoán là 165 hộ.

Ngày 23-6-2011, UBND tỉnh có Công văn 1845/UBND-NL chỉ đạo dừng việc thí điểm giao khoán quản lý bảo vệ rừng có hưởng lợi. Nguyên nhân xuất phát từ kết quả giao khoán bảo vệ rừng có hưởng lợi thực hiện trong 10 năm qua chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Theo lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), một trong những nguyên nhân việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng không đạt hiệu quả như mong đợi bắt nguồn từ đặc điểm rừng được giao. Trong số diện tích gần 5.500 ha rừng đã giao khoán, diện tích rừng nghèo chiếm gần 2.053 ha, rừng trung bình gần 772 ha, còn lại là rừng non. Hiện trạng rừng được giao không đủ tiêu chuẩn để tiến hành khai thác; lâm sản phụ dưới tán rừng hầu như không có gì nên kế hoạch tận thu lâm sản rừng tạo nguồn kinh phí chi trả tiền công bảo vệ, tăng thu nhập cho người nhận khoán trong suốt chu kỳ 50 năm nhận khoán là bài toán khó đối với chủ rừng.

 
Khó khăn ấy xuất hiện ngay thời gian đầu thực hiện thí điểm giao khoán gần 1.500 ha rừng nghèo của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê cho 60 hộ. Để bảo vệ diện tích rừng nghèo này, trong 4 năm (2004-2008), tỉnh phải xuất ngân sách hỗ trợ cho các hộ nhận khoán và chi phí quản lý là 53.000 đồng/ha. Khi chấm dứt hỗ trợ vào đầu năm 2009, đã có 24 hộ xin trả lại diện tích vì lý do đất rừng nhận khoán quá nghèo, không trồng được cây nông nghiệp. 36 hộ nhận khoán còn lại cũng xin trả lại rừng nhận khoán cho chủ rừng.

Các đơn vị còn lại cũng nhận được sự hỗ trợ của tỉnh từ nguồn kinh phí của Chương trình 5 triệu ha rừng, vốn ngân sách để chi trả tiền công bảo vệ từ năm 2005 đến cuối tháng 6-2006. Ước tính, tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ chi trả tiền công quản lý, thiết kế lập phương án thí điểm giao khoán quản lý, bảo vệ rừng có hưởng lợi của 5 đơn vị từ năm 2004 đến 2008 là gần 1,478 tỷ đồng.

Không còn được hỗ trợ, việc chi trả tiền công quản lý bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán dựa vào nguồn thu từ khai thác tận dụng lâm sản rừng. Thế nhưng, việc khai thác tận dụng cũng chỉ được thực hiện 1 năm rồi… kết thúc. Việc khai thác tận dụng lâm sản tại phần rừng giao khoán chỉ là khối lượng gỗ tận thu hơn 10 m3/ha. Người nhận khoán không đảm đương nổi quy trình khai thác nên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp làm thay; chi phí đầu tư sửa chữa đường vận chuyển gỗ, các khoản tiền theo quy định… nên số tiền còn lại chi trả cho người nhận khoán không cao. Cũng cần nói thêm rằng, lợi ích từ chủ trương giao khoán quản lý bảo vệ rừng có hưởng lợi mang lại cho người nhận khoán không phải nhờ số tiền công 53.000 đồng/ha/năm mà từ cơ chế được hưởng 2% tổng giá trị lâm sản thu được khi rừng đến chu kỳ khai thác. Nhưng hầu hết hộ nhận khoán không đủ kiên nhẫn đợi đến ngày đó mà chỉ mong nhận tiền công quản lý bảo vệ rừng như các Chương trình 661, 304. Khi việc chi trả không kịp thời vì lý do thiếu vốn, người nhận khoán lơ là việc quản lý bảo vệ rừng, rừng bị lấn chiếm, khai thác trái phép là điều hiển nhiên.

Từ thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn trình UBND tỉnh xem xét cho phép Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, Kông Chiêng chủ động kết thúc hợp đồng giao khoán rừng hưởng lợi với các hộ nhận khoán; cho phép Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak, Kông H’De tiếp tục thực hiện phương án khoán vì diện tích rừng giao thuộc nhóm rừng trung bình, có thể khai thác tận dụng tạo nguồn chi trả cho người nhận khoán. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã có Công văn 1845 dừng thí điểm giao khoán bảo vệ rừng hưởng lợi được áp dụng cho 4 công ty. Và theo các cơ quan quản lý, việc này là hợp lý do phương án chưa mang lại hiệu quả.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm