(GLO)- Sau gần nửa tháng ra quân tổng kiểm soát, xử lý phương tiện tham gia giao thông chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm của tỉnh. Tình trạng các phương tiện vi phạm trên các tuyến quốc lộ có chiều hướng giảm mạnh, tuy nhiên trên tuyến tỉnh lộ tình trạng này vẫn còn nhiều bất cập…
Tuyến quốc lộ giảm phương tiện vi phạm
Theo số liệu thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, sau gần nửa tháng ra quân tổng kiểm soát, xử lý phương tiện tham gia giao thông chở quá khổ quá tải trên các tuyến quốc lộ 14 và 19.
Hai đội liên ngành đã xử lý vi phạm đối với 187 trường hợp, buộc hạ tải hơn 450 tấn hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính trên 150 triệu đồng. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 119 xe tự giác chuyển tải với hơn 700 tấn hàng hóa. Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển hành khách chở quá số người quy định cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xe bị buộc phải hạ tải. Ảnh: Nguyễn Giác |
Trước việc hai đội liên ngành thường xuyên tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với khung hình phạt khá nặng, khi chở quá trọng tải trên 40% thiết kế (xe có trọng tải dưới 5 tấn), trên 30% thiết kế (xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên) sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày, vượt tải từ 10% đến 40% so với thiết kế (xe dưới 5 tấn), từ 5% đến 30% thiết kế (xe từ 5 tấn trở lên) bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày, nên các chủ xe và doanh nghiệp đã thực hiện khá nghiêm túc quy định của pháp luật.
Qua thực tế của P.V Gia Lai online trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh, có thể dễ dàng nhận thấy, tình trạng phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải không còn “nóng” như thời gian trước. Nếu trong ngày đầu tiên (26-3), cơ quan chức năng đã xử lý 30 trường hợp vi phạm, buộc hạ tải 70 tấn hàng hóa và xử phạt hơn 40 triệu đồng, thì đến ngày 8-4, số phương tiện vi phạm đã giảm hơn 50%.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, cơ quan chức năng vẫn còn gặp không ít khó khăn, khi còn thiếu các bãi tập kết sang tải. Cùng với đó, một số ít phương tiện vi phạm tìm cách né tránh khi đậu đỗ vào các đường dân sinh, chờ những lúc đội tuần tra đi qua để tiếp tục lưu thông. Vì thực tế cho thấy, các chủ phương tiện vận tải đều có suy nghĩ, nếu chở đúng tải sẽ không thể có lãi.
Tài xế xe 77K-59xx lý giải: “Giá xăng dầu, chi phí cầu đường và các phụ phí khác tăng cao, trong khi cước vận chuyển hàng hóa lại không tăng. Nếu không chở quá tải sẽ không thể bù vào chi phí đó…”.
Ông Phạm Hiếu Trình- Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh cho biết: “Sau một thời gian thực hiện, tình trạng các phương tiện vi phạm đã giảm mạnh. Để lập lại kỷ cương, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền vận động và kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện cố tình vi phạm…”.
Tuyến tỉnh lộ còn bỏ ngỏ?
Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, việc kiểm soát, xử lý phương tiện tham gia giao thông chở quá khổ, quá tải chỉ mới được thực hiện nghiêm túc trên các tuyến quốc lộ, tại các tuyến tỉnh lộ vẫn còn bỏ ngỏ. Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều về thực trạng các tuyến tỉnh lộ 662, 663, 665, 667, 669… bị hư hỏng, xuống cấp dù mới được đầu tư không lâu.
Ngoài vấn đề chất lượng công trình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khiến hạ tầng giao thông giảm tuổi thọ, còn có cả sự đóng góp của các xe chở quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông.
Hiện nay, phương tiện tham gia giao thông chở quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh ta phần lớn tập trung tại các tuyến tỉnh lộ…
Theo quy hoạch thì hầu hết các nhà máy đứng chân ngay tại vùng nguyên liệu để tiện cho việc thu mua nguyên liệu và hoạt động sản xuất. Vì vậy, phương tiện vận chuyển hàng hóa như: Mía, mì, đá, gỗ… mang tính cục bộ khu vực, ít lưu thông trên các tuyến quốc lộ. Nên khi đến vụ thu hoạch, các tỉnh lộ phải “gánh” hàng trăm phương tiện quá tải vận chuyển hàng hóa đến các nhà máy, nhưng vẫn rất ít khi bị xử lý.
Nguyên nhân được đưa ra; do biên chế lực lượng còn mỏng, chưa thể kiểm soát, xử lý hết trên tất cả các tuyến đường... Bên cạnh đó, Ban an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện hoạt động thiếu đồng bộ, khi công tác vận động, tuyên truyền và xử lý vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông chủ yếu tập trung quan tâm vào việc như: Đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, không chạy quá tốc độ… mà lơ là việc vận động, tuyên truyền đối với người dân và chủ xe phải đảm bảo đúng khổ, đúng tải khi vận chuyển hàng hóa.
Chính vì vậy, khi đã quyết tâm thiết lập lại kỷ cương giao thông, nên chăng có những giải pháp đồng bộ mang tính vĩ mô. Việc ra quân tổng kiểm soát, xử lý các phương tiện tham gia giao thông chở quá khổ, quá tải trong hai tháng chỉ mang tính tình thế, còn về lâu dài cần lập ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Lê Anh