“Con chim quý, phải ở lầu son” (nhạc sĩ Nhật Ngân)… Muốn biết “lầu” cho chim có giá trị “son” đến cỡ nào, hành trình tìm về các làng nghề lồng chim sẽ là cơ hội gặp gỡ những nhân vật tạo ra giá trị phi phàm cho “lầu son” nuôi chim quý ấy.
Vài trăm triệu, một tỉ, đôi ba tỉ… là những câu chuyện truyền miệng của giới chơi chim khi bàn đến chuyên môn đầy tốn kém, đó là lồng chim. Tính trong nghề lồng chim ở phạm vi cả châu Á, thợ nghề Việt Nam được giới chơi kính nể bởi có thể tạo tác những tuyệt phẩm giá trị tiền tỉ, mà ở đó có thể thấy rõ phong cách nghệ thuật chạm trổ của vùng miền, của nét văn hóa truyền thống, của những tích truyện, điển cố mà nay phần nhiều đã bị lãng quên. Giá trị trang trí ấy khiến cho chiếc lồng chim vượt khỏi công năng ban đầu là phục vụ thú chơi chim, trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.
|
“Lầu son” dành cho chim cu gáy với những nét chạm khắc trên nền tre đặc trưng của làng Vác |
Nổi danh hàng đầu trong giới dựng nhà bạc tỉ cho chim phải kể đến những nghệ nhân xứ Huế. Nghề chạm gỗ xứ Huế với thế hệ những nghệ nhân vang danh một thời như Phan Thế Huề, Lê Đăng Duân… đã tìm được hậu duệ “truyền ngôi” là Đoàn Minh Căn, với một chút biến tấu khi ứng dụng kỹ thuật chạm gỗ vào nền tre trúc, tạo nên các tác phẩm lồng chim đẹp, chi tiết, hoàn mỹ, được giới chơi chim cả nước tán dương, tên tuổi lấn sang các nước láng giềng và khu vực với những đơn hàng thiết kế tiền tỉ.
|
Quai lồng có tạo hình rồng, cõng trên đó các vị tiên trích từ điển cố “Bát tiên quá hải” |
Lồng chim Huế mang những điển cố, sự tích trích từ Tam Quốc Chí, Tề Thiên đại thánh, Bát tiên quá hải, Thập nhị hoa giáp quần tiên, hay nguyên tắc trong “tam hạp”, “tứ hành xung”… được gửi gắm qua nét chạm trổ trên nền tre, thể hiện ở đó vẻ đẹp của tạo hình và cả niềm hoan hỉ, ước vọng an lành của gia chủ. Những kỹ thuật chạm gỗ áp dụng lên nền tre, đưa vào lồng chim nhỏ bé, được nghệ nhân Đoàn Minh Căn tiết lộ do anh tự học hỏi, nghiên cứu và dựa trên nhu cầu thực tế khách hàng để sáng tạo mỗi chiếc lồng là một tác phẩm nghệ thuật gắn với tuổi, sở thích, sinh mệnh, nghề nghiệp, mong vọng của chủ nhân.
|
Một “lầu son” cho chim được hoàn thiện với lối chạm đậm phong cách nghệ thuật Huế |
|
Vanh lồng chốt nan tạo hình đốt trúc lay động như thật, là kỹ thuật khó |
Cũng với nghề “dựng nhà” cho chim, đất Bắc có làng nghề hàng đầu là Vác. Với gốc gác của làng nghề liên quan nhiều đến chi tiết tre trúc (làm nan, quạt), nên khi thú chơi chim rộ thành phong trào từ thời Pháp thuộc, người làng Vác chỉ với một con dao có thể chặt, chuốt, khắc, tỉa, nạo, tách, xắn, đi nét… để dựng lên những chiếc lồng chim kinh điển, theo một phong cách riêng, cũng với những trang trí mang tích truyện cổ điển, đề tài hoa lá, hoa gấm, triện… để lồng chim hoa mỹ, đẹp mượt mà từ chi tiết đến tổng thể.
|
Con dao “thần kỳ” của người thợ làm lồng chim xứ Vác |
|
Chỉ là đáy lồng nhưng được nghệ nhân Đoàn Minh Căn thể hiện cả một rừng hoa gấm, hoa dây trên nền tre trúc |
Nếu lồng chim kiểu Huế thể hiện kỹ thuật trang trí đỉnh cao, phô diễn tối đa kỹ thuật đục, chạm, khắc, trổ thủng… thì lồng chim xứ Vác lại chú trọng công năng bền, chắc, khỏe. Những chiếc lồng phóng dùng cho chim họa mi, lồng chim cu gáy, lồng khuyên, tùy vào giá trị thị trường mà thợ nghề thiết kế những “lầu son” cho chim tương ứng, cung cấp cho thị trường cả nước và cả khu vực.
|
Lò chế tác lồng chim của thợ nghề chắc tay Bùi Văn Quý ở làng Vác, Hà Nội |
|
Chiếc lồng phóng dùng luyện chim họa mi, dài hơn 2 m đang trong công đoạn hoàn thiện ở làng Vác |
|
Hình tượng tám vị tiên đang dần hiện trên chi tiết trang trí móc lồng |
|
Công đoạn chuốt nan bằng thủ công |
|
Một “lầu son” cho chim khuyên đang được “làm nguội” các nét chạm trổ |
Theo Phong An (TNO)