Dùng thuốc kích thích trẻ ăn: Hại con mà không hay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghe theo lời quảng cáo, không ít ông bố bà mẹ mua những sản phẩm dinh dưỡng trôi nổi và thuốc được gọi “kích thích biếng ăn” dành cho trẻ. Sự thật thì chưa thấy công dụng trị được biếng ăn đâu, nhiều người đã phải ôm hận vì trót dại.
Lạm dụng

Mỗi lần cho cô con gái 3 tuổi ăn là một cực hình nên khi nghe bạn bè giới thiệu có thực phẩm dinh dưỡng trị biếng ăn cho trẻ, hai vợ chồng anh Tường ở quận 7 tìm đến cửa hàng M. và B. trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM, để mua.

Không chỉ có sữa, bánh, địa điểm này còn bán cả sản phẩm bổ sung canxin, vitamin D và nhiều chất kích thích phát triển trí não, biếng ăn...
 
Mua một sản phẩm sữa có tên Wakodo và một loại men kích thích ăn về cho con ăn, hai ngày sau cháu bị tiêu chảy phải vào khoa tiêu hóa ở BV Nhi đồng. Để ý kỹ hai sản phẩm trên, anh Tường giật mình vì chúng không có nhãn phụ nào ghi rõ thành phần chất lượng cũng như hạn sử dụng. Hỏi ra mới biết đây là sản phẩm “xách tay”. “Hộp sữa giá 400.000 đồng/hộp coi như vứt”- anh Tường nói.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con trẻ chán ăn rỉ tai nhau ra nhà thuốc mua thuốc Peritol và corticoides để về cho con uống. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc trên, hai loại thuốc này làm cho trẻ thèm ăn tức thì nhưng sau thời gian dùng thuốc lại quay về cảm giác chán ăn, khó ăn hơn.

Theo dược sĩ Lê Nguyễn Đông Phương, hai loại thuốc trên dùng điều trị những bệnh khác như dị ứng và nội tiết nhưng chúng có tác dụng phụ làm cho thèm ăn. “Nếu ngưng dùng thuốc cũng đồng nghĩa ngưng cảm giác thèm ăn và dễ gây biến chứng”- dược sĩ Phương nói.

Mang họa

Đi khám ở phòng mạch tư nhiều lần, rồi mua thuốc kích thích ăn quảng cáo trên ti vi cho uống nhưng ba tháng nay con trai 4 tuổi của anh Nguyễn Văn Hải ở đường Ngô Bệ, quận Tân Bình vẫn không chịu ăn. Mới đây, khi đến khám ở Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, các bác sĩ mới biết cháu không ăn vì đã ngưng thuốc kích thích ăn mấy ngày nay.

Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ còn phát hiện con trai anh Hải đã bị phù nề do lạm dụng thuốc kích thích ăn kèm theo nguy cơ chậm phát triển.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa- Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng I TP.HCM tình trạng lạm dụng thuốc kích thích vô tội vạ mà không hay biết của phụ huynh khiến con phải mang họa thường gặp rất nhiều khi trẻ đến khám ở đây.

Theo thống kê mỗi tháng BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, 70% trong đó đến khám vì biếng ăn, còn lại là chậm tăng cân. “Nhiều trường hợp nghe theo quảng cáo, tự ý mua thuốc cho con uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ khiến nhiều trẻ bị phù thủng và thêm một số bệnh lý khác”- bác sĩ Hoa cho biết.

PGS- TS Nguyễn Hữu Đức- Giảng viên trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, thực chất một số thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng dùng cho trẻ rất có hại. Đây là các thuốc không thể trị được biếng ăn mà chúng chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo.

TS Đức cảnh báo không ít loại thuốc quảng cáo chỉ là đông dược trộn từ thuốc gây thèm ăn với thuốc ngủ nên nguy cơ tác dụng phụ như táo bón, gây khô miệng, khó tiểu tiện và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương rất dễ xảy ra.
Theo TPO

Có thể bạn quan tâm