(GLO)- Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 47 tuổi nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở, chân sưng to.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 4 năm qua, bệnh nhân tránh thai bằng phương pháp uống thuốc và tự mua loại thuốc có tên REGULON về sử dụng.
Vỉ thuốc tránh thai mà bệnh nhân nữ đang sử dụng. Ảnh nguồn Báo Tiền Phong |
Qua chẩn đoán bằng hình ảnh, các bác sĩ phát hiện động mạch phổi hai bên của người bệnh bị huyết khối lớn che lấp hoàn toàn và chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc phổi nên chuyển đến khoa Hồi sức Tim mạch. Tại đây, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng khó thở, suy hô hấp, giảm ô xy, nhịp tim nhanh và huyết áp thấp. Các bác sĩ chỉ định dùng tiêu sợi huyết truyền qua đường tĩnh mạch cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, thuyên tắc phổi do huyết khối là một bệnh lý cấp cứu thường gặp và khả năng gây nguy cơ tử vong lên tới 60%. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ 1/10.000 trong 1 năm, tỷ lệ này tăng gấp 3-5 lần nếu uống thuốc ngừa thai có chứa estrogen.
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích-Khoa Sản, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, thuốc ngừa thai chứa estrogen làm tăng nồng độ huyết thanh các yếu tố đông máu, giảm yếu tố chống đông tự nhiên như protein S và giảm hoạt tính tiêu sợi huyết. Tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc huyết khối tăng lên khi liều estrogen tăng lên. Với các viên thuốc ngừa thai phối hợp có chứa từ 10-35 mcg estrogen, nguy cơ sẽ cao gấp 2-4 lần so với nguy cơ ban đầu.
Uống thuốc tránh thai hàng ngày là biện pháp ngừa thai đơn giản được đông đảo cặp đôi lựa chọn. Tuy nhiên, thuốc tránh thai hàng ngày sẽ không thích hợp cho tất cả chị em phụ nữ. Một số trường hợp chị em sử dụng thuốc có thể gặp tác dụng phụ không mong muốn như: phụ nữ trên 35 tuổi có thói quen hút thuốc lá; huyết áp tăng cao chưa được kiểm soát tốt; có tiền sử hoặc hiện tại có huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi; bản thân hoặc gia đình có tiền sử đột quỵ, mắc các bệnh lý tim mạch; bản thân hoặc gia đình có tiền sử bệnh ung thư vú; có xuất huyết tử cung không rõ nguyên nhân; có chứng đau nửa đầu, hoặc các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh võng mạc hoặc bệnh thần kinh; phụ nữ mắc bệnh gan.
Khi có một trong những yếu tố nguy cơ trên, chị em nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp tránh thai khác phù hợp hơn. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân có yếu tố nguy cơ nhưng chưa chắc chắn, chị em sẽ được thực hiện các kiểm tra cần thiết để việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả, không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)