Hiện dự án mở tuyến vận tải du lịch theo hình thức hợp đồng giữa tỉnh Quảng Bình và 3 tỉnh của Lào và Thái Lan là Khăm Muộn, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon đã triển khai và bước đầu rất hiệu quả.
Quốc lộ (QL) 12A là tuyến giao thông đường bộ quốc gia chạy trong địa phận tỉnh Quảng Bình với khoảng 146 km, bắt đầu từ thị xã Ba Đồn, ngược hướng Tây dọc sông Gianh qua 3 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, rồi vượt qua Cổng Trời để sang Lào theo cửa khẩu Cha Lo. Đây là con đường có một số phận lịch sử hết sức đặc biệt.
Dấu tích lịch sử
Đây nguyên là đường đất, hình thành tự nhiên trong quá trình khai sơn lập ấp của cư dân đôi bờ sông Gianh. Truyền thuyết về tên đèo Mụ Giạ trên biên giới Việt - Lào cho thấy đây còn là con đường tha hương cầu thực của dân ta thời đói nghèo, tăm tối. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, vua Hàm Nghi cùng nghĩa quân đã theo đường này để lên vùng rừng núi huyện Minh Hóa lập căn cứ Sơn Phòng kháng chiến.
Ngày nay, ở 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa còn lưu truyền nhiều câu chuyện và di tích liên quan phong trào Cần Vương. Tại xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) còn lăng mộ và đền thờ Đề đốc Lê Trực - một lãnh binh của thành Hà Nội về đây lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp. Nhiều trường học trong huyện này cũng mang tên Lê Trực. Chi đội vũ trang Lê Trực, tiền thân của Trung đoàn 18 thuộc Sư đoàn 325 lừng danh, cũng được thành lập tại một địa điểm trên con đường này.
Di tích Cổng Trời trên đường lên Cha Lo |
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường 12A là một nhánh của "Trường Sơn Đông nối Trường Sơn Tây". Thời gian đầu, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đóng ở xã Hóa Tiến (Minh Hóa). Trong hồi ký "Trọn một con đường", Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: "Trước năm 1966, khi ta chưa mở thêm đường 20 Quyết Thắng thì 12A là tuyến đường ngang vượt Trường Sơn duy nhất có thể vận tải cơ giới. Lúc ấy, dù địa hình vô cùng hiểm trở nhưng đây là huyết mạch giao thông đóng vai trò chủ yếu trong việc vận chuyển bằng cơ giới hàng hóa, vũ khí qua nước bạn Lào rồi chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam. Vì vậy, từ khi leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung không quân, có cả B52, đánh phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược này…".
Dọc đường 12A hiện còn nhiều di tích và địa danh lịch sử của huyền thoại Trường Sơn: Trận địa của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!"; Ngã ba Khe Ve là nơi xuất phát của tuyến đường ống xăng dầu chiến lược; Bãi La Trọng vừa có cầu ngầm vừa có kho trung chuyển hàng hóa; Bãi Dinh là điểm tập kết của bộ đội, Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến; Đồi 37 là nơi nhiều chiến sĩ bị bom vùi đất lở đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt... Cùng đó là Ca Tang, Cổng Trời, Cha Lo, Mụ Giạ... đều là những địa danh máu lửa trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
9 lần truy điệu sống
Mới đây, nhân chuyến hành hương ngược đường 12A lịch sử, chúng tôi ghé thăm nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế. Năm nay bà đã sang tuổi 80 nhưng mọi người vẫn quen gọi là "O Huế" như mấy chục năm trước. Bà chính là cô gái ôm bó hoa rực rỡ đứng bên Bác Hồ trong bức ảnh "Bác Hồ với Thanh niên xung phong" từng được in trên nhiều sách báo, lưu giữ trong nhiều nhà bảo tàng và phòng truyền thống của nhiều đơn vị, địa phương.
O Huế quê ở xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa. Năm 1965, huyện này thành lập đại đội Thanh niên xung phong "Xê Chín" để bảo vệ đường 12A, O Huế xung phong nhập ngũ và được cử làm tiểu đội trưởng phụ trách đoạn La Trọng - Bãi Dinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất. Khi "Xê Chín" thành lập trung đội cảm tử, O Huế làm trung đội trưởng và đã 9 lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống trước giờ ra trận. Năm 1967, tập thể "Xê Chín" và cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Huế được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Sau ngày thống nhất đất nước, bà tiếp tục công tác trong ngành giao thông. Năm 1995, nghỉ hưu, bà về quê dựng một ngôi nhà nhỏ ven đường 12A - con đường gắn bó với tuổi thanh xuân của bà và đồng đội. Chồng mất sớm, là thương binh và bà rất gương mẫu trong cuộc sống, giữ vững phẩm chất người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Hai con trai của bà tiếp tục công tác trong ngành giao thông, trong đó có một người đang ở đơn vị quản lý đường 12A này.
Trò chuyện cùng O Huế, tôi được biết bức ảnh "Bác Hồ với Thanh niên xung phong" không phải là "Nữ anh hùng Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa cho Bác Hồ" như một vài tài liệu chú thích. Sự kiện này là tại Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc lần thứ 4, tháng 7-1967, đã được Báo Tiền Phong ngày đó tường thuật cụ thể: "Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà đại hội vừa tặng Bác…".
Tôi thưa với người nữ anh hùng: "Được Bác Hồ tặng hoa là một vinh dự lớn. Đặc biệt, đời O còn 5 lần được gặp Bác Hồ kính yêu thì là niềm vinh dự vô bờ bến, hiếm người có". O Huế nói: "Đó là vinh dự của "Xê Chín", của lực lượng Thanh niên xung phong trên đường 12A mà O được thay mặt thôi". Trầm ngâm một lúc, rồi O tâm sự: "Ở "Xê Chín" ngày đó, ai cũng xứng đáng được tuyên dương anh hùng. Như chị Trần Thị Thành là cán bộ đại đội, người gầy yếu nhưng là chỗ dựa tinh thần cho toàn đơn vị. Khi nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường, chị Thành vẫn giấu đau buồn để không ảnh hưởng đến chị em, trong đó có cô em ruột cũng đang là chiến sĩ của đơn vị. Chị Thành nhiều lần đứng trên bom nổ chậm để động viên mọi người yên tâm sửa đường kịp thông xe trước giờ cao điểm".
Con đường hội nhập
Lần này trở lại đường 12A, xe chúng tôi lướt trên con đường được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng hành cùng tôi là đại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình, trưởng thành từ chiến sĩ đồn Cha Lo gần 40 năm trước.
Anh Phúc cho biết từ khi QL12A nối QL12B của nước bạn Lào được nâng cấp thành đường Xuyên Á thì đây là tuyến đường ngắn nhất nối các cảng biển Hòn La của Quảng Bình và Vũng Áng của Hà Tĩnh với tỉnh Khăm Muộn của Lào và sang Thái Lan. Đây cũng là tuyến du lịch hấp dẫn liên quốc gia, một ngày có thể dừng chân tại 3 nước mà điểm khởi đầu là mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, điểm cuối là Khu Tưởng niệm Bác Hồ ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Dọc đường này còn có nhiều điểm du lịch sinh thái và di tích văn hóa nổi tiếng của 3 nước. Hiện dự án mở tuyến vận tải du lịch theo hình thức hợp đồng giữa 4 tỉnh Quảng Bình - Khăm Muộn - Nakhon Phanom và Sakon Nakhon (Thái Lan) đã triển khai và bước đầu rất hiệu quả.
Năm 2002, Chính phủ thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập tại đây các lực lượng chức năng như: hải quan, y tế dự phòng, quản lý thị trường, kiểm dịch... Một khu kinh tế - đô thị non trẻ đã và đang hình thành trên mảnh đất chiến trường ác liệt và gian khó năm xưa. Tháng 10-2015, UBND tỉnh Quảng Bình và Công ty Petro Lào ký biên bản về việc khảo sát, phóng tuyến đường ống và kho ngoại quan ở Khe Ve trong dự án Xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn xăng dầu từ cảng biển Hòn La lên Cha Lo sang tỉnh Khăm Muộn. Đây là dự án 100% vốn đầu tư của Lào.
Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tôi gặp lại anh Võ Văn Thái, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Quảng Bình, cũng đang công tác tại Cha Lo. Anh Thái cho biết đến nay, đã có gần 20 dự án thực hiện và đăng ký đầu tư tại Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo với tổng mức đầu tư đăng ký xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, trong đó có một dự án FDI với tổng mức đầu tư 5 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm đều tăng từ 28% đến 30%. Theo định hướng đến năm 2030, Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình; là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào, các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan và Myanmar...
Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG |
Từng bước thành điểm sáng
Cha Lo, "ơi rừng núi miền Tây Tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao" như lời ca hào hùng trong kháng chiến cứu nước, hôm nay đang từng bước trở thành một điểm sáng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên đất lửa Quảng Bình. Và đường lên Cha Lo, con đường tha hương cầu thực nơi thâm sơn cùng cốc, con đường huyền thoại trong kháng chiến cứu nước, nay đang là con đường hữu nghị, hội nhập và phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: MAI NAM THẮNG (NLĐO)