Đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu trong báo cáo mới đây, Đơn vị dự báo phân tích và đánh giá rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn Nhà Kinh tế (Anh) nhận định kinh tế châu Âu tăng trưởng âm và đà tăng trưởng chậm lại tại Mỹ và Trung Quốc đang khiến kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu.
Trước tình hình này, EIU đã hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay xuống 3,1%, thấp hơn so với mức dự đoán tăng 3,2% đưa ra hồi tháng trước.
Theo EIU, bất chấp nỗ lực mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ không làm được gì nhiều để ngăn chặn những cơn gió ngược mà các quốc gia phải đối mặt.
Đối với Mỹ, EIU cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất đà, khi GDP chỉ tăng trưởng 1,5% trong quý 2/2012, giảm so với mức tăng 2% trong quý 1. Dự báo xu hướng tăng trưởng yếu sẽ tiếp tục trong quý 3 và có khả năng kéo dài sang cả quý 4.
Bên cạnh đó, EIU đã hạ giảm dự báo tăng trưởng trung bình của kinh tế Mỹ trong năm nay xuống còn 2,1%, so với mức tăng 2,2% đưa ra trước đó.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn kéo dài là mối lo ngại lớn trên toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách đã phải vất vả để kìm giữ thị trường tài chính, trước nỗi lo sợ đồng euro tan vỡ. Lãi suất trái phiếu chính phủ tại Tây Ban Nha và Italy liên tiếp đứng ở mức cao đáng lo ngại.
Dù rằng đã có các dấu hiệu cho thấy châu Âu có phản ứng hợp tác chặt chẽ hơn, với việc tham gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự phản đối của Đức đối kế hoạch giải cứu các nước gặp khó khăn trong Eurozone dường như đã dịu đi song, mối đe dọa hiện hữu với với đồng euro thì vẫn còn đó và nếu có một cú sốc nào đó xảy ra, chẳng hạn như tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp, cả khu vực có thể bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Theo EIU, tình hình Eurozone trong ngắn hạn vẫn còn ảm đạm với mức tăng trưởng âm 0,6% năm nay. Nhưng sang năm tới, kinh tế Eurozone sẽ có sự phục hồi song còn yếu vì nhiều nước vẫn còn phải tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng".
EIU cho rằng nhu cầu nhập khẩu nội khối vẫn yếu, do các chính sách khắc khổ sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các đối tác thương mại lớn của châu Âu, nhất là Mỹ và các thị trường mới nổi. Do đó, EIU cũng hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay từ 4% xuống còn 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng hơn 6% trong năm 2011.
Ngoài sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, đà tăng trưởng yếu đi của kinh tế Trung Quốc cũng đang tác động tiêu cực đến triển vọng của kinh tế toàn cầu. Trong quý II-2012, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,6%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Bức tranh kinh tế Ấn Độ còn đáng lo ngại hơn và EIU dự báo GDP của nước này chỉ tăng trên 6% năm nay và 6,5% năm tới, thấp hơn nhiều so với nhịp độ tăng trưởng 9% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, EIU đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển có phần sáng sủa hơn. EIU dự báo kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2012 và 6,5% năm 2013. Đối với Nhật Bản, EIU dự báo GDP của nước này sẽ phục hồi và tăng 1,7% trong năm 2012, sau khi tăng trưởng âm trong năm 2011, do bị ảnh hưởng của thảm họa sóng thần và động đất.
Theo TTXVN