12 năm trước, chúng tôi choáng váng khi hay tin Zheng Xiaoyo, 62 tuổi, Cục trưởng Cục Quản lý Dược quốc gia bị tòa án Trung Quốc tuyên tử hình với tội danh nhận hối lộ 850 nghìn USD từ 8 công ty dược để bỏ qua quy trình kiểm tra khiến hàng loạt kháng sinh giả dễ dàng được cấp phép và đến tay người bệnh.
Bản án đối với Zheng cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thi hành với một người được cho là quan chức cấp cao trong lĩnh vực này. Vụ việc của Zheng vào thời điểm đó gây rúng động Trung Quốc và tạo nên làn sóng phẫn nộ của người dân. 10 đứa trẻ vô tội được cho là đã qua đời sau khi dùng 6 loại kháng sinh giả mà Zheng đã vì tiền mà cấp phép.
Câu chuyện của Zheng, đã vì tiền đạp lên nỗi đau của 10 gia đình có con chết oan uổng vì thuốc giả có gì đó như Nguyễn Minh Hùng- Cựu Chủ tịch VN Pharma làm chủ mưu trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” mà tòa đang xét xử mấy ngày qua. Hùng bằng nhiều thủ đoạn đã tạo ra một bộ hồ sơ hoàn hảo nhất có thể để biến những loại thuốc chữa ung thư được cho là giả, không nguồn gốc xuất xứ trót lọt vào Việt Nam và có thể đã đến tay người bệnh ung thư đang mang “án tử” trên mình. Nhưng liệu Hùng có thể thực hiện phi vụ một cách dễ dàng như vậy nếu như không có sự tiếp tay của một ai đó giống như người “gác cổng” Zheng ở Cục Quản lý Dược quốc gia Trung Quốc?
Ai cũng biết, để số thuốc này vào Việt Nam một cách trót lọt còn có sự “giúp sức” của rất nhiều cơ quan khác, trong đó có Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế. Theo quy định đối với việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp hồ sơ để Cục Quản lý Dược xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu cho lô hàng. Quan trọng là trong hồ sơ phải có Giấy chứng nhận bán hàng tự do và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm. Để có các loại giấy tờ này, Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ sau đó gửi lên Cục Quản lý Dược xin nhập thuốc. Căn cứ trên hồ sơ VN Pharma cung cấp, ngày 30/12/2013 Cục Quản lý Dược đã cấp Giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita và 5 tháng sau, VN Pharma đã nhập khẩu 9.300 hộp H-Capita qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với giá trị 697.500 USD an toàn.
Cục Quản lý Dược được cho là người “gác cổng” vậy nhưng không hiểu sao Công ty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, nội dung hồ sơ kỹ thuật có những điểm không thống nhất nhưng Cục Quản lý Dược vẫn để cho VN Pharma lợi dụng sơ hở để thực hiện trót lọt hành vi. Trong khi với nhiều công ty dược khác, để được cấp “visa” thuốc vào Việt Nam là cả một hành trình đầy gian nan.
Dù Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn đang được nghị án nhiều năm tù cho hành vi của mình, song 9.300 hộp thuốc ung thư đã ra thị trường và đã đến tay người bệnh hay chưa vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Còn nhớ tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, Hùng cùng thuộc cấp khai thuốc còn để kho thì VN Pharma và Cục Quản lý Dược đã “ngăn chặn” không cho ra thị trường nhưng cũng chính Hùng cho biết đã chi 14 tỷ đồng “hoa hồng” cho các bác sĩ kê toa. Xem ra điều này không mấy hợp lý. Thuốc còn trong kho sao phải chi “hoa hồng”?
Và ai đã được chi khoản tiền khổng lồ này để các loại thuốc giả này vào được các bệnh viện rồi đến tay bệnh nhân? Câu hỏi chắc sẽ được trả lời trong nay mai khi các cơ quan chức năng đang mở ra ở một vụ án khác về trách nhiệm của những người “gác cổng” tại Bộ Y tế.
Ngọc Lâm (TP)