Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động, sáng 1-5 gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, nông dân trong tỉnh Cà Mau tình nguyện xuống đường tham gia trồng rừng mới.
Địa điểm trồng rừng là U Minh hạ bao gồm các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Vùng này trồng hai loại cây rừng, đó là cây tràm truyền thống và cây keo lai, một loại cây mới phát triển nhưng có giá trị kinh tế cao.
Tại điểm trồng rừng ngập mặn ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, cây trồng ở đây là cây đước truyền thống, cây mắm thuộc rừng phòng hộ ven biển.
Năm 2012, chỉ tiêu của tỉnh Cà Mau là trồng mới 2.000ha rừng; trong đó có 1.200ha rừng tràm và 800ha rừng phòng hộ ven biển.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã trồng mới được 150ha, tiến độ chậm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là vào mùa khô, không thuận lợi cho việc trồng rừng, nhất là rừng tràm.
Thời điểm trồng rừng lý tưởng nhất là từ tháng Năm cho tới tháng Tám trong năm. Vì vậy, tranh thủ mùa mưa bắt đầu, tỉnh đã triển khai nhanh kế hoạch trồng rừng, trong đó huy động lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt.
Tỉnh Cà Mau có hai khu rừng với hai hệ sinh thái khác nhau. Rừng tràm ở vùng nước ngọt, rừng đước và rừng phòng hộ ở vùng nước mặn, tập trung ven biển Đông và biển Tây.
Tổng diện tích hai khu rừng trên lên tới 150.000ha, trong đó có rừng quốc gia U Minh hạ có diện tích 8.000ha, rừng quốc gia Mũi Cà Mau tổng diện tích 10.000ha. Tuy nhiên, diện tích đất trống không có cây rừng hiện nay còn xấp xỉ 10.000ha.
Mỗi năm rừng được khai thác từ 2.000-3.000 ha. Vì vậy năm nào tỉnh cũng phải huy động lực lượng tham gia trồng rừng, vừa để lấp số diện tích rừng mới khai thác, vừa phủ kín đất chưa có cây rừng, phấn đấu đến năm 2015 không còn đất trống.
Theo TTXVN