Ảnh tư liệu |
Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Cấp ủy các cấp cần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể, tổ chức hội, cơ quan, đơn vị theo chuyên đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.
Cụ thể hóa nội dung trên bằng việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng địa phương, đơn vị. Tập trung vào những nội dung cốt lõi của vấn đề này là xây dựng chuẩn mực sao cho sát thực với từng đối tượng theo nghành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm xã hội của tổ chức, của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải quy định rõ trách nhiệm, tự giác, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên theo tinh thần sống phải có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trách nhiệm với công việc; trung thực, thật thà, thẳng thắn trong mọi việc làm và có lòng tự trọng nghề nghiệp, cuộc sống riêng tư trong sáng, giản dị, khiêm tốn trong công tác và rèn luyện học tập thường xuyên liên tục; chấp hành và tôn trọng luật pháp, kỷ cương; biết đoàn kết thân ái…
Đồng thời với đó là việc triển khai nghiên cứu, học tập quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tới đây là việc phê bình và tự phê bình trong cán bộ đảng viên, mỗi một đảng viên- từ người đứng đầu của tổ chức đến nhân viên với yêu cầu tự đánh giá lại mình, kiểm điểm lại những công việc mình đã làm, về tư cách, tác phong, đạo đức, cuộc sống mà mình đã trải qua, điều gì tốt, điều gì xấu, việc tốt, việc xấu công khai minh bạch từ bản thân để tập thể, tổ chức mà mình tham gia, nơi mình sinh hoạt, công tác, cư trú cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ và góp ý, xây dựng. Đặc biệt là những người lãnh đạo chủ chốt, ngay trong đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và đầy ý nghĩa, có tác động đến sinh mệnh, đến sự nghiệp của Đảng, của chế độ- phải là tấm gương, là người “đột phá quyết liệt” theo tinh thần nhìn thẳng vào bản thân mình, đánh giá mình một cách chính xác những mặt mạnh, mặt yếu và định ra phương hướng phấn đấu khắc phục sửa chữa. Có như vậy mới có thể là tấm gương cho lớp trẻ, cho mọi người dưới quyền. Và có làm được điều đó ngay từ những cán bộ chủ chốt thì mới có tác động tích cực và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này mới có thể đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước mới được củng cố, giữ vững và ngày càng tăng cao.
Không thể chấp nhận, không thể bằng lòng với một đảng cầm quyền trong điều kiện lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình mà lại có những yếu kém, khuyết điểm như thế này: “… Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu…” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng). Vì vậy việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những nội dung đã nêu trên và triển khai thực hiện Nghi quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, chúng tôi cho đây là một mệnh lệnh, là trách nhiệm- trước hết từ các cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị đối với dân, với nước, với Đảng!
Bích Hà