(GLO)- Tôi tìm về nhà ông, trắc thủ số 2 Vũ Văn Liên thuộc đơn vị bộ đội tên lửa (Quân chủng Phòng không-Không quân). Căn nhà nhỏ cấp 4 nằm cạnh chân cầu sông Bờ thuộc tổ 9 phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa được bao bọc bởi một vườn chuối ngự xanh mướt, cả ông Liên và bà Gái vợ ông đang thong dong cho đàn gà lên đến vài ngàn con ăn rồi lùa nhốt chúng vào chuồng.
Nhìn dáng gầy mảnh khảnh của ông trong cảnh điền viên ấy, có lẽ ít ai lại nghĩ rằng ông Liên đã từng là một trong những trắc thủ thông minh, sáng tạo-người hùng dẫn đường cho tên lửa SAM 2 của ta tiêu diệt máy bay B.52 của Mỹ.
Trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 77. Ảnh tư liệu |
Chiều muộn, ngồi xếp bằng rót trà mời khách trên chiếc giường nhỏ kê ở góc phòng khách của gia đình, ông Liên hồi tưởng lại những ngày tháng tự hào nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông là con út trong gia đình có 3 anh em trai ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Học hết cấp III, tháng 5-1970 ông xung phong đi bộ đội, thuộc đơn vị E240, F363 (Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân), đóng quân ở Bến Bính, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Ông Liên kể: Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc “tiếp đón” B.52, những người bạn chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang giúp chúng ta nghiên cứu, tìm cách đánh hiệu quả nhất. Ông Liên nhớ lại, lúc đó cả trung đoàn có 6 đơn vị nhưng chỉ lựa chọn được tổng cộng 12 người đào tạo trắc thủ ra đa số 1 và số 2. Ông Liên là trắc thủ số 2 có nhiệm vụ đo cự ly mục tiêu, nhận và truyền mệnh lệnh “phần tử tổng hợp” cho Đại đội trưởng bấm điện phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Trong phân đội của ông Liên gồm có 4 người (3 trắc thủ 1, 2, 3 và Trung đội trưởng). Cả 4 người phải ngồi trong chiếc thùng sắt chống đạn to bằng nửa cái nhà gắn trên xe ra đa, trước mặt là hàng trăm chiếc đồng hồ để quan sát tất cả các thông số từ độ cao, độ tà, nhiệt, hướng gió, tốc độ máy bay… Trời miền Bắc cuối đông giá lạnh nhưng trong cái hộp sắt này nhiệt độ lúc nào cũng từ 40 đến 55oC, vì hệ thống máy móc chạy tỏa nhiệt ra nên cả 4 người phải tập chịu đựng để dần quen với điều kiện khắc nghiệt đó.
Ông Vũ Văn Liên (bên phải). Ảnh: Đ.P |
Máy bay B.52 chỉ xuất hiện vào ban đêm, máy bay F.111, F.105, F.4H đi theo bảo vệ, ném bom bắn phá trận địa phòng không và quấy rối gây nhiễu hệ thống ra đa phòng không của ta. Thường B.52 bay từ Thái Lan qua Thượng Lào rồi vào nước ta và từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam theo hướng từ biển vào còn các máy bay quấy rối, ném bom phá thì đi từ hạm đội 7 trên biển vào. Khi phát hiện mục tiêu cách xa khoảng 120 km, chúng ta đã hú còi báo động, lúc đó các phân đội quan trắc lập tức lao vào trong hộp sắt-đài quan sát ra đa-để làm nhiệm vụ.
Để phát hiện B.52 thật không dễ dàng, vì mỗi đợt kẻ địch tấn công là đi cùng lúc nhiều tốp máy bay tầm thấp, chúng phát tín hiệu gây nhiễu ra đa, thả giấy bạc khiến cho màn hình ra đa của trắc thủ nhấp gần như trắng sáng hoàn toàn giữa hằng hà sa số điểm sáng để che giấu B.52 trên tầng cao 16 km. Nhưng bằng trí thông minh, sáng tạo và lòng quả cảm quyết đánh thắng kẻ thù, quân đội ta đã tìm ra cách bố trí trận địa để lột mặt nạ B.52 giữa một rừng trời hỏa mù gây nhiễu đó để tiêu diệt thành công.
Đêm 19-12-1972, sau một đêm đánh phá TP. Hải Phòng, máy bay B.52 của Mỹ bắt đầu tập trung đánh phá Bắc Giang. Trận địa tên lửa phòng không của đơn vị ông Liên bố trí ở sân bay Kép. Mỗi khi nghe lệnh báo động, ông Liên và 2 trắc thủ còn lại cùng đồng chí trung đội trưởng lại cúi sát vào màn hình ra đa chỉ cách chưa đầy 1 gang tay để dán mắt vào quan sát tìm ra đâu là nhiễu sóng tích cực, đâu là nhiễu sóng tiêu cực để loại trừ, rồi xác định dãy sóng nhiễu mờ di chuyển có quy luật để xác định đó chính là ngoáo ộp B.52.
Khi vào đến gần mục tiêu trút bom, B.52 hạ độ cao từ 16 km xuống 8-10 km. Lúc này cả 3 trắc thủ phải xác định cho được các thông số đường tà (xiên), cao độ, vận tốc… để tất cả các thông số hợp một phần tử gọi là “phần tử tổng hợp”. Lúc đó nhiệm vụ của ông Liên trắc thủ số 2 là phải hô to qua điện đàm “phần tử tổng hợp” để đồng chí trung đội trưởng ở bãi tên lửa cách đó chừng 200 mét nối điện phóng tên lửa lên bắn chặn B.52. “Phân tích thì dài dòng nhưng thực tế diễn ra trên trận địa lại rất nhanh, nhiều khi thời gian chỉ tính bằng giây.
Giữa một rừng máy bay tốc độ nhanh kinh hoàng nhiều khi chỉ thấy xẹt một cái nó đã tới nơi mình rồi mà các trắc thủ phải xác định cho được đâu là mục tiêu máy bay quấy rối, nhiễu hỏa mù để loại trừ ra rồi chỉ bám theo B.52 chờ đến thời điểm thích hợp thì hô chỉ lệnh phóng tên lửa tiêu diệt thành công kẻ địch là cả một nghệ thuật và tài trí của quân ta”-ông Liên nói.
Đêm 19-12-1972, sau khi phân đội của ông Liên phóng được 6 lượt tên lửa Sam 2 thì trận địa bị địch phát hiện, lần lượt các tốp máy bay địch tập trung bắn phá, thả bom. Khoảng 11 giờ đêm, một quả bom phát nổ sát với công sự xe ra đa của phân đội ông Liên. Chiếc xe bị lật nghiêng, cánh cửa buồng ra đa bung ra, ông Liên bị mảnh bom găm vào đầu từ phía trước trán, bị thương. Máy bay Mỹ ném bom đến 5 giờ sáng mới kết thúc. Cả đơn vị có 4 người hy sinh, 7 người bị thương trong đêm đó.
Trận địa bị đánh bom tan hoang, không còn đường sá nữa, đơn vị phải chở thương binh bằng xe bánh xích leo lên leo xuống hố bom để về trạm cứu thương. Ông Liên được đưa đến chữa trị ở Bệnh viện Quế Võ (Bắc Ninh) trong vòng nửa tháng. Ông Liên nói trong tiếc nuối: “Khi tôi lành vết thương về lại đơn vị thì chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang đánh tan B.52 trên bầu trời Hà Nội rồi”. Tháng 5-1973 ông Liên ra quân, với thương binh hạng 3/4 rồi về quê làm ruộng, cưới vợ sau đó sinh được 4 người con. Năm 1980, ông một mình đi vào làm ăn kinh tế tại vùng đất Ayun Pa (Gia Lai) rồi 4 năm sau đó đưa cả gia đình cùng vào lập nghiệp.
Ngồi nhớ lại những ký ức của một thời oanh liệt trong cuộc đời mình, thi thoảng ông Liên lại nghiêng đầu nhăn mặt đưa tay sờ lên trán nơi có vết thương của bom Mỹ ghi dấu lên cơ thể ông từ năm nào. Bà Gái vợ ông xen vào giải thích: “Đã 40 năm rồi nhưng cứ mỗi khi gần đến những ngày này, ông ấy lại thấy đau nhức trên đầu, mảnh bom vẫn còn nằm trong đó”. Tôi ngước nhìn về phía ông Liên, cái lỗ mảnh bom gắn vào trán theo lời ông bà kể giờ đây với thời gian da thịt đã lấp đầy nhưng dấu vết của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong đầu ông. “Từ ngày vào Tây Nguyên lập nghiệp đến giờ tôi không còn liên lạc được với các đồng đội nữa, không biết các đồng chí cùng tôi chiến đấu trong 12 ngày đêm năm 1972 ấy, ai còn, ai mất?”- ông Liên chùng giọng trầm tư.
Chia tay vợ chồng ông Liên, tôi mừng cho hai ông bà giờ đã có cuộc sống điền viên với vườn chuối và trang trại gà mỗi năm cho thu nhập hơn 250 triệu đồng. Cả 4 người con của ông thì 3 người đã học hết đại học và có việc làm ổn định. Ti vi của nhà ông đang chiếu lời phát biểu của Trung tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, người phi công đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B.52 trên bầu trời Hà Nội: “Với tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, chúng ta đã bước vào cuộc chiến 12 ngày đêm một cách chủ động, đàng hoàng và giành thắng lợi vẻ vang”.
Đức Phương