Báo xuân

Gặp người trồng lúa lai đầu tiên ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ miền núi cao Tây Bắc vào Tây Nguyên sinh sống với hành lý là những mầm lúa lai nhưng chỉ vài ba vụ sản xuất, cây lúa lai đã bén duyên với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở vùng đất mới. Vợ chồng người Tày là Hoàng Kim Minh và Hoàng Thị Hà (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) được nông dân nơi đây biết đến bởi là những người đầu tiên gieo mầm lúa lai trên cánh đồng lúa nước ở Đak Đoa.
 

Chị Hoàng Thị Hà hướng dẫn bà con chăm sóc lúa lai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Sinh ra và lớn lên tại huyện Bình Gia (Lạng Sơn), năm 1995 khi con nhận công tác tại Gia Lai, vợ chồng Minh-Hà dắt nhau vào vùng đất mới sinh sống. Làng Ngol lúc bấy giờ thuộc địa phận hành chính xã Hneng. Thời điểm đó, làng Ngol còn những cánh rừng bao quanh đồng ruộng, giao thông đi lại rất khó khăn. Cánh đồng sản xuất của làng vốn có nhiều chân ruộng bị nhiễm phèn. Tìm tòi học hỏi, chị Hà thấy giống lúa lai Nhị Ưu 838 có thể thích nghi với chân ruộng nơi đây nên dành hơn 1,2 sào gieo trồng. Từ đây, giống lúa lai bén duyên, được gia đình và bà con trong vùng ưu tiên lựa chọn sản xuất.  

Nhớ lại buổi đầu, chị Hà không khỏi chạnh lòng: Một số hộ dân làm lúa nước ở cánh đồng An Phú khi vào thăm cho rằng chị không biết làm lúa nước, gieo sạ ít giống lấy đâu ra lúa mà ăn! Cứ 1 sào thì phải trên 10 kg giống, như cách gieo sạ truyền thống. Bỏ ngoài tai, chị Hà vẫn kiên trì sản xuất lúa lai.

Chị Hà tâm sự: “Làm lúa lai rất dễ, khi gieo giống phải vun đều tay, mỗi sào chỉ khoảng 3 kg lúa giống. Bởi lúa lai đẻ nhánh rất nhiều, 1 hạt khoảng 15-18 nhánh, cây xấu nhất cũng được 12 nhánh. Đặc biệt, hạt giống rất dễ nảy mầm, kháng được rất nhiều sâu bệnh… Kỹ thuật chăm bón cũng rất đơn giản, bón lót một sào khoảng 2 bao lân, 5 kg NPK… 8 ngày sau khi gieo sạ thì bón phân đợt I và 18 ngày sau bón đợt II”.

Thành công khiến chị Hà trở nên nổi tiếng khắp vùng Hneng và lân cận, lúa lai phát triển tốt cho năng suất cao nhất nhì huyện, đạt hơn 31 bao (7-8 tấn/ha). Lúa lai vỏ mỏng, hạt mẩy, cơm mềm dẻo… làm bún rất tốt. Ruộng lúa lai của chị Hà trở thành mô hình trình diễn và được ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thường xuyên lựa chọn tổ chức hội thảo đầu bờ về sản xuất lúa lai cho người dân các xã khác trong huyện học tập, nhân rộng.

Từ những mầm lúa lai đầu tiên của gia đình người Tày trồng trên đất Hneng, đến nay, cây lúa lai đã chiếm diện tích khá lớn trên những cánh đồng lúa nước ở Đak Đoa, mỗi vụ khoảng 400-500 ha. Đak Đoa đã trở thành một trong những huyện có diện tích lúa lai phát triển mạnh của tỉnh.
    
Gần đây do nguồn nước tưới dần cạn kiệt và cùng với việc giá lúa giống lai khá đắt nên diện tích lúa lai có phần thu hẹp. Riêng gia đình chị Hà nhiều lần về thăm quê Lạng Sơn đều mua giống lúa lai mang vào sản xuất hoặc nhờ người thân mua gửi vào để làm giống gối vụ, với mức giá 96 ngàn đồng/kg giống cao gấp 3 lần các giống lúa khác… Gia đình vẫn thích trồng cây lúa lai”-chị Hà nói.

Mùa Xuân mới lại về. Với người phụ nữ dân tộc Tày Hoàng Thị Hà, người có công gieo những mầm lúa lai trên cánh đồng lúa nước làng Ngol ngày nào giờ lại ước mơ một ngày nào đó, sẽ tìm thêm những giống lúa mới để giúp bà con nơi đây sản xuất thuận lợi góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm