Chính trị

Tin tức

Gặp những cựu binh một thời lửa đạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã qua đi nhưng nó vẫn in sâu trong tâm trí của những cựu chiến binh tham gia giải phóng Gia Lai, rồi ở lại bảo vệ chính quyền để các đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước. 42 năm sau, những con người ấy dù mang trong mình những vết thương nhưng họ vẫn âm thầm, lặng lẽ cống hiến sức mình cho xã hội viết nên những câu chuyện đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Ký ức một thời lửa đạn

 

Cựu chiến bị Dương Công Hoan bùi ngùi nhớ đồng đội. Ảnh: V.H
Cựu chiến bị Dương Công Hoan bùi ngùi nhớ đồng đội. Ảnh: V.H

Một chiều cuối tháng 4, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở đường Âu Cơ (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh Dương Công Hoan-nguyên cán bộ chính trị Tỉnh đội Gia Lai (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Nhớ về ký ức chiến tranh cách đây 42 năm, ông chậm rãi: “Những ngày đầu tháng 3-1975, nhiều đơn vị chủ lực đã di chuyển sang đánh Buôn Ma Thuột, trên chiến trường Gia Lai chỉ còn bộ đội địa phương và một số đơn vị khác. Chúng tôi vừa đánh tiêu hao sinh lực địch ở các vùng lân cận, đồng thời dùng pháo kích vào sân bay Aria, Sân bay Cù Hanh. Những trận đánh này không chỉ làm cho địch khiếp sợ mà chúng ta còn thực hiện tốt nhiệm vụ đánh nghi binh để địch tưởng rằng các đơn vị chủ lực của ta sẽ tập trung giải phóng Pleiku”.

Cựu chiến binh Triệu La Phương (hiện đang sinh sống tại tổ 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) là người cắm cờ Giải phóng trên nóc Tòa Hành chính Pleiku. Ông  đã rưng rưng nước mắt khi nhớ lại những ngày ấy: “Trong đời quân ngũ, tôi tham gia đánh rất nhiều trận nhưng tôi nhớ nhất đó là đánh phá kho xăng của địch gần sân bay Aria (nay thuộc tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Đầu năm 1974, nhận nhiệm vụ trên giao, Đại đội Đặc công K70 của chúng tôi có nhiệm vụ đánh phá kho xăng này. Sau khi trinh sát địa bàn, lên kế hoạch, làm công tác chuẩn bị, Chỉ huy Mặt trận B3 đồng ý với cách đánh của đơn vị. Đây là kho xăng lớn nên địch canh phòng rất nghiêm ngặt, có hỏa lực mạnh bảo vệ, hệ thống hàng rào 7 lớp, cấu trúc của 3 kho xăng hình tam giác. Chính vì thế, đại đội chúng tôi phải chia làm 3 nhóm, mỗi người mang theo 6 kg bộc phá, phải phối hợp chặt chẽ để các lực lượng rút ra ngoài an toàn mới điểm hỏa. Đúng 12 giờ đêm 10-2, những tiếng nổ phát ra, bầu trời Pleiku bừng sáng, người dân thị xã Pleiku vui mừng vì kho xăng ở trung tâm thị xã cũng bị bộ đội giải phóng đánh phá. Sau này tôi mới biết được trận đánh này làm 1 trung đội địch thương vong và hơn 20.000 lít xăng bị cháy”.

 

Người cựu chiến binh cắm cờ giải phóng trên nóc Tòa Hành chính Pleiku chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: V.H
Người cựu chiến binh cắm cờ giải phóng trên nóc Tòa Hành chính Pleiku chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: V.H

Trong quá trình tìm tư liệu viết bài, tôi may mắn gặp được cựu chiến binh Chu Quang Tùy (ở phường Yên Thế, TP. Pleiku)-nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70 (Tiểu đoàn 408)-người đã gỡ hơn 1.000 quả bom mìn của địch. Ông nhớ nhất là thời khắc chỉ huy các chiến sĩ xé cờ ngụy và cắm lên nóc Tòa Hành chính Pleiku lá cờ Giải phóng. Nhấp ngụm trà nóng, ông nhớ lại: “Đêm 16-3, tôi chỉ huy Đại đội K70 đánh Trung đoàn Thiết giáp của địch. Sau khi phá hủy một số phương tin thì nhận được tin địch đang rút chạy khỏi Pleiku. Tôi giao nhiệm vụ cho một tiểu đội khẩn trương về khu trú quân của tiểu đoàn ở Đak Smei (huyện Đak Đoa) báo cáo chỉ huy. Sau đó, tôi dẫn một tổ tiến đến Tòa Hành chính của địch. Tôi chỉ đạo anh em vừa canh phòng vừa hạ và xé cờ ngụy đồng thời treo lá cờ Giải phóng. Cũng từ đây, chế độ ngụy quân ở Gia Lai bị xóa bỏ vĩnh viễn”.

Lặng lẽ đóng góp cho đời

Đến nay, những cựu chiến binh mà tôi gặp vẫn mang trong mình vết thương chiến tranh. Là những thương binh nhưng họ không trông chờ, ỷ lại mà luôn cống hiến sức mình cho xã hội. Mặc dù tuổi cao nhưng ông Dương Công Hoan vẫn còn rất khỏe. Người dân ở đây đã quen với hình ảnh người Tổ trưởng tổ dân phố đến gõ cửa từng nhà để vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Ông đi vận động từng gia đình đóng góp kinh phí xây dựng đường, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn… Ông chia sẻ: “Mình là những người lính trưởng thành trong chiến tranh, khi về địa phương được nhân dân tín nhiệm nên phải cố gắng. Mới đó mà đã 14 năm công tác tại địa phương. Năm nay, tôi xin bà con được nghỉ ngơi”.

 

Cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 Ngụy trên đường 7 (ảnh tư liệu).
Cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 Ngụy trên đường 7 (ảnh tư liệu).

Bước ra khỏi chiến tranh, là thương binh hạng 4/4, đôi lúc trái gió, trở trời những cơn đau vẫn hành hạ cựu chiến binh Chu Quang Tùy. Tuy nhiên với ông thì nỗi đau ấy chưa bằng nỗi đau mất đồng đội. Chính vì thế, ông lặng lẽ đi tìm, đánh dấu và vẽ sơ đồ phần mộ của đồng đội để thân nhân dễ tìm hơn. Ông cho biết: “Hàng năm vào ngày 17- 3, hơn 20 chiến sĩ trong Đại đội Đặc công K70 cùng nhau họp mặt, vừa ôn lại truyền thống năm xưa, vừa thăm hỏi động viên nhau vượt qua những khó khăn. Trong chiến tranh, mình là Đại đội trưởng, giờ anh em lại bầu làm Trưởng ban Liên lạc. Vì vậy, mình phải cố gắng để kết nối mọi người, nhắc nhở nhau phát huy truyền thống của đơn vị và giáo dục con cháu.

Với cựu chiến binh Triệu La Phương thì: “Bây giờ mình trở về với mảnh vườn nhỏ chăm sóc đàn gà, đàn vịt để tuổi già thêm vui. Các con đã trưởng thành. Đôi lúc ở nhà một mình cũng buồn nên làm bạn với ruộng vườn. Mình xuất ngũ với quân hàm Trung úy, về địa phương tham gia công tác đoàn thể hơn 13 năm. Là người lính nên Đảng giao nhiệm vụ gì mình phải cố gắng hoàn thành tốt”.

Chia tay những cựu chiến binh, trong tôi gợi lên nhiều suy nghĩ. Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, trong mình mang những vết thương do chiến tranh nhưng họ vẫn âm thầm cống hiến sức mình cho xã hội. Họ luôn chăm lo dạy bảo con cháu nhớ những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước để có ngày độc lập, tự do như hôm nay từ đó phấn đấu trưởng thành đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm