Gia Lai: Bất cập trong công tác quản lý các trung tâm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày 1-3, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định số 74 về việc chuyển Trung tâm y tế thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố về Sở Y tế trực tiếp quản lý. Theo đó, các cơ quan liên quan tiến hành kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản… chuyển giao Sở Y tế, Giám đốc Sở có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận nguyên trạng tài chính, tài sản, biên chế…

Từ trước đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị quản lý, theo dõi trực tiếp các trung tâm y tế. Cách quản lý này xem ra có phần đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh cho người dân ngày một nâng cao.
 

Người dân khám và điều trị tại trung tâm y tế huyện IaPa. Ảnh: Nguyễn Giác

Điển hình trong công tác này là trung tâm y tế thành phố Pleiku, trước đây cơ sở khám bệnh xuống cấp, thiết bị chuyên ngành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhận thấy tầm quan trọng của một trung tâm y tế nằm giữa trung tâm thành phố đang phát triển nhanh chóng, từ năm 2006 đến nay, được sự quan tâm từ các cấp chính quyền TP. Pleiku nên việc nâng cấp, đầu tư cũng như tìm các nguồn vốn tài trợ để xây dựng nơi đây trở thành một cơ sở y tế điểm của tỉnh và điều này đã được chứng minh bằng việc xây mới khu điều trị, cải tạo lại phòng cấp cứu với hệ thống thiết bị chuyên khoa mới nhất. Đặc biệt, nhờ nhận được 3 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc, TTYT TP. Pleiku lại có thêm điều kiện cho việc mua sắm các trang-thiết bị y khoa hiện đại, nhiều y-bác sĩ có điều kiện được gửi đến các bệnh viện lớn để tập huấn, tiếp cận với các kỹ thuật y khoa mới như: Phẫu thuật nội soi, điều khiển máy CT-Scaner, máy lọc thận nhân tạo, máy C-Arm… Nhờ các thiết bị này cùng với việc nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nên phần lớn bệnh nhân nặng đến đây đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời”. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm đơn vị tiếp khám trên 100 ngàn lượt bệnh nhân, trên 85% số bệnh này được điều trị nội trú.

Không riêng gì TTYT TP. Pleiku mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm đến việc xây dựng mới cơ sở điều trị tuyến huyện góp phần giảm tải cho tuyến trên vốn đang quá tải bệnh nhân, trong đó các cơ sở điều trị cách xa trung tâm tỉnh được xây mới như TTYT Krông Pa, Kong Chro, Đức Cơ, Kbang… đã được xây dựng khang trang và đưa vào hoạt động rất hiệu quả và cần tiếp tục đầu tư cả về vật chất, trang thiết bị lẫn đào tạo về nguồn nhân lực y, bác sĩ.
 

Phòng y tế có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn. Nhưng hiện tại, các bác sĩ đang công tác tại 17 Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tại Gia Lai đang dở khóc, dở cười, có người khi có quyết định đã xin nghĩ vì muốn làm chuyên môn hơn ngồi bàn giấy.

Qua nắm bắt, phần lớn các TTYT khác cũng cho rằng việc “quy về một mối”, Sở Y tế có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, tuy nhiên đó là về mặt chuyên môn nghiệp vụ, vật tư y tế, còn nếu quản thêm về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hư hỏng nhà cửa… thì sợ rằng, Sở Y tế với lực lượng đang còn “thiếu” sẽ càng thêm “yếu” và kham “không xuể”.

Nhận xét về việc nhận chuyển giao cơ sở y tế này, ông Mai Xuân Hải- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai: Việc chuyển y tế tuyến cơ sở về do Sở quản lý là có quá tải, tuy nhiên đã bước đầu nắm bắt, theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Ngay sau việc chuyển TTYT tại các địa phương về thuộc Sở quản lý thì bước đầu ngành y tế đã cho tập trung kiện toàn lại công tác tổ chức, rà soát và từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn, chấn chỉnh cung cách làm việc. Qua triển khai cho thấy việc sắp xếp lại đã mang tính đồng nhất cao, ý kiến từ tuyến cơ sở rất hài lòng về sắp xếp chuyên môn theo đúng chỉ đạo từ Bộ Y tế.

Việc chuyển đổi này là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các địa phương cần có thời gian để điều chỉnh hay nắm bắt kịp thời mới có thể đưa ra nhận định được hiệu quả đến đâu. Đó là câu chuyện dài, còn việc trước mắt là bác sĩ, theo báo cáo của ngành y tế Gia Lai, toàn tỉnh còn thiếu trên 400 bác sĩ. Việc thiếu là vậy, nhưng hiện tại vẫn đang có hàng chục bác sĩ “lành nghề, giỏi nghiệp” lại không làm chuyên môn, điều này nghe ra có lẽ “trái”, nhưng thực tế đang diễn ra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ngô- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì: chuyển cơ sở y tế về trực thuộc Sở không biết hiệu quả sẽ cao đến đâu và đã có cuộc họp nào đánh giá kết quả này tại các tỉnh hay chưa, nhưng hiện tại chúng tôi thấy chưa hợp lý và cần xem xét lại, riêng về trạm y tế xã cũng giao về là không hợp lý bởi cán bộ dân số tạo ra gánh nặng cho huyện vì khó trong việc sắp xếp, thiếu trang thiết bị cho việc tuyên truyền.

Nếu còn tồn tại Phòng Y tế, ngoài việc làm chức năng tham mưu về chuyên môn thì các bác sĩ cần làm công việc được đào tạo chuyên sâu của mình bằng cách quản lý các trạm y tế hay tăng cường công tác luân phiên tại các trạm y tế giúp nâng cao năng lực quản lý tại các thôn, buôn; giám sát dịch bệnh kịp thời, nâng cao nhận thức dân trí trong vấn đề bảo vệ sức khỏe, đây mới là việc quan trọng bởi một khi công tác phòng, điều trị làm tốt từ tuyến cơ sở thì sẽ ít bệnh nhân nặng nhập viện gây quá tải như hiện nay- Ông Ngô- PCT UBND huyện Phú Thiện nói.
 

UBND TP. Pleiku quan tâm, trung tâm Y tế Pleiku được xây dựng khang trang phục vụ cho nhân dân: Ảnh: Nguyễn Giác

Đồng thuận với ý kiến trên, ông  Lê Ngọc Lân- Trưởng Phòng Y tế huyện Ia Grai đưa ra nhận xét: Mô hình chuyển các cơ sở điều trị từ xã, huyện về Sở Y tế quản lý là sáng kiến hay bởi về góc độ chuyên môn sẽ nhận biết nơi nào yếu, nơi nào thiếu cần điều động, giúp nâng cao nghiệp vụ, chất lượng khám chữa bệnh từ đó cũng được nâng dần.

Tuy nhiên, điều ông Lân cho là không cần thiết nhất hiện nay nhưng vẫn tồn tại bấy lâu chính là “Phòng Y tế” nơi ông đã công tác 6 năm qua, việc phát sinh thêm “Phòng” chức năng này là không cần thiết, trong lúc các đia phương, cơ sở vật chất thiếu, nhân lực hạn chế, nhưng lại mở thêm “Phòng Y tế” trong mấy năm qua sẽ phát sinh thêm về nơi làm việc, con người (1 quản lý, 1 kế toán, 1 thủ quỹ) việc này không hiệu quả. Cấp huyện đã có bộ phận văn xã quản lý về mặt văn hóa, y tế, giáo dục… nên chăng giảm bớt về mặt hành chính, còn nhân lực là bác sĩ đang đảm trách lãnh đạo phòng sẽ tiếp tục làm công tác chuyên môn tại TTYT hoặc được tăng cường nhiều tháng về xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đây là thiết thực hơn.

Để làm tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp các Bệnh viện tuyến trên thì các trạm y tế xã là nơi nắm bắt thường xuyên, xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh bệnh do vậy đây cũng là tuyến cần quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, với việc thiếu nhân lực là bác sĩ hiện nay thì ý kiến giao tuyến trạm y tế cho Phòng Y tế quản lý cũng là vấn đề cần các cấp chính quyền quan tâm.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm