Kinh tế

Gia Lai: Chủ động phòng- chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết năm nay diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, công tác phòng- chống bão lũ được Ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão các cấp chú trọng triển khai thực hiện trước khi mùa mưa bão chính thức bắt đầu.
Ông Trịnh Văn Tuyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng- chống lụt bão huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: Ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thiện việc khảo sát, lập danh sách các khu vực thường xuyên bị lũ quét, ngập úng, sạt lở đất và số lượng nhà cấp 4 có khả năng bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão. Các cơ quan chuyên môn kiểm tra công trình công cộng, công trình thủy lợi, hạ tầng sản xuất; mạng lưới thông tin liên lạc, lưới điện để phát hiện, xử lý kịp thời các hạng mục không đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về sau.
Nạo vét kênh mương. Ảnh: Đức Thụy
Trên cơ sở khảo sát, các ban chỉ huy phòng- chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai các xã, thị trấn của huyện đã có kế hoạch huy động nguồn nhân lực tại chỗ, chuẩn bị vật lực tổ chức phòng-chống, ứng phó với diễn biến bão lũ phù hợp thực tế từng địa phương.
Đến thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai các phần việc trong kế hoạch triển khai phòng-chống lụt bão năm 2010 cấp mình. đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng- chống lụt bão tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng- chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, để đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa, các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn gửi lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi… khẩn trương kiểm tra toàn diện hệ thống hồ chứa để phát hiện, lập kế hoạch tiến hành sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình không đảm bảo an toàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ chứa đang thi công mới và đang sửa chữa, đảm bảo vượt lũ an toàn. Khẩn trương xây dựng phương án phòng-chống lụt bão cho các hồ chứa lớn, các hồ chứa nguy cơ mất an toàn và dự phòng đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra đối với hệ thống công trình thủy lợi. Khi vận hành xả lũ qua tràn, chủ công trình phải thông tin kịp thời cho nhân dân vùng hạ lưu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân…
Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão tỉnh đã thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng-chống lụt bão hết sức cụ thể. Theo đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra sửa chữa, gia cố các công trình phòng- chống lụt, bão; công trình giao thông và kè bảo vệ sông, suối; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, thủy điện đảm bảo vượt lũ an toàn. Xây dựng bổ sung hệ thống mốc cảnh báo ngập lụt trên đoạn đường giao thông, ngầm tại các vùng thường xuyên bị ngập lụt; cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi tại những khu vực xung yếu. Yêu cầu các địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, suối ở mức độ cao và nghiêm trọng như: Mang Yang, Phú Thiện, Ayun Pa, An Khê… cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án chống sạt lở đang thực hiện; rà soát, kiểm tra và có kế hoạch đầu tư bảo vệ, làm kè chống sạt lở bờ sông theo hướng ổn định, lâu dài và bền vững.
Để tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân chủ động phòng- chống lụt bão, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão tỉnh yêu cầu Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tiếp nhận chính xác thông tin về động đất để cảnh báo kịp thời. Các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình và chuẩn bị đầy đủ vật chất, nhân lực, trang-thiết bị theo chuyên môn của ngành mình để ứng phó với bão lũ. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Binh đoàn Tây Nguyên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể lĩnh vực cứu nạn-cứu hộ trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ, chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu…
Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm