Kinh tế

Gia Lai có hơn 600 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cuối tháng 5-2012, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn nhưng đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn không thoát khỏi tình trạng khó khăn.
 

“Rào cản” đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng dường như chưa hề được tháo gỡ. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Gia Lai Online đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Sen- Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền Núi- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai.
 

Bà Nguyễn Thị Sen. Ảnh: Hồng Thi

- PV: Xin bà cho biết về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Sen: Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn chịu sự tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do lãi suất vay vốn ngân hàng cao, sức mua thị trường giảm sút, hàng tồn kho ứ đọng. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp không thể tạo ra lợi nhuận để bù đắp chi phí dẫn đến thua lỗ và phá sản. Từ sau Tết Nguyên đán, lãi suất ngân hàng tuy có hạ nhưng vẫn còn ở mức cao.

Đến cuối tháng 5-2012, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước giảm lãi suất vay vốn, mức lãi suất cho vay ngắn hạn hiện hành không quá 13%/năm, thế nhưng việc tiếp cận nguồn vốn theo đúng lãi suất quy định còn bất cập. Mặt khác, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa được cải thiện.

Trong 6 tháng đầu năm, có khoảng trên 60% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và thị trường nên thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động, một số thì chuyển chủ sở hữu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, vượt lên khó khăn để tồn tại và khẳng định mình, nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh kinh doanh mới, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Điển hình là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản. Những doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 258,5 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

- PV: Có bao nhiêu doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và các doanh nghiệp đó đa số tập trung đầu tư ở lĩnh vực nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Sen: Theo thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh-Sở Kế hoạch-Đầu tư, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 600 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, làm thủ tục giải thể hoặc "mất tích". Và các doanh nghiệp đó đa số tập trung ở lĩnh vực xây dựng, thương mại.

- PV: Bà có thể giải thích rõ hơn nguyên nhân vì đâu mà nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tồn tại được trong khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay?

Bà Nguyễn Thị Sen: Tuy lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng ngoại trừ các doanh nghiệp được Ngân hàng tín nhiệm, các doanh nghiệp khác (chủ yếu là vừa và nhỏ) vẫn không tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp. Bởi lẽ, họ chưa đáp ứng được những điều kiện quy định của các ngân hàng thương mại như: Tình hình tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp... Một vấn đề nữa là do sức mua trên thị trường giảm sút, nên một số doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động vì không đủ vốn hoặc để chờ đợi cơ hội. Một số khác phá sản vì vay vốn nhưng lại sử dụng nguồn vốn đó không hiệu quả.

- PV: Bà có thể cho biết những hệ lụy đằng sau vấn đề ngừng hoạt động của các doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Sen: Việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy sau nó, trong đó dễ nhận thấy nhất là tình trạng thất nghiệp. Người lao động mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng không tốt đến đời sống và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng giảm đi nguồn thu ngân sách từ các doanh nghiệp.

Ảnh: Minh Thi

- PV: Trước tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có những giải pháp nào để giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển bền vững?

Bà Nguyễn Thị Sen: Hiệp hội Doanh nghiệp là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của Hiệp hội là thường xuyên nắm bắt, thu thập, đánh giá thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hội viên. Từ đó, kiến nghị lên UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan kịp thời tháo gỡ, giải quyết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội thường xuyên tìm hiểu các chính sách, pháp luật hiện hành về hỗ trợ doanh nghiệp để kiến nghị trực tiếp, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông tác động các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi các chính sách đầy đủ và kịp thời.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng tích cực đóng góp ý kiến về việc xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp; tổ chức hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hội viên; đào tạo cán bộ quản lý và cung cấp thông tin kinh tế-chính sách-pháp luật cho doanh nghiệp.

- PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Minh Thi- Hồng Thi (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm