Kinh tế

Tài chính

Gia Lai: Còn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở Gia Lai chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công.

Gấp rút thi công hệ thống thoát nước đường Lý Thái Tổ, đoạn qua phường Yên Đổ, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Huyện Chư Păh đang dẫn đầu với tỷ lệ giải ngân đạt trên 94%. Năm 2020, tổng kế hoạch các nguồn vốn dành cho công tác đầu tư công trên địa bàn huyện là gần 80 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn tỉnh phân cấp 12,3 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện 10,7 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia gần 54 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết gần 2,9 tỷ đồng. Số vốn này được đầu tư cho 82 công trình, trong đó có 79 công trình khởi công mới và 3 công trình chuyển tiếp.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện cũng như giải ngân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tăng cường giám sát, thi công, thanh toán vốn theo kế hoạch giao. Đồng thời, đôn đốc các nhà thầu nhanh chóng lập hồ sơ quyết toán đối với công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng”-ông Cao Việt Lĩnh-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Păh-cho biết.

Cùng với Chư Păh, tính đến ngày 9-12, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ giải ngân cao gồm: TP. Pleiku 89,7%; Ia Grai 90%; Kông Chro 94,6%; Kbang 88%... Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng, sự đôn đốc của các chủ đầu tư thì Kho bạc Nhà nước tỉnh cũng góp phần không nhỏ.

Ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh-cho hay: “Chúng tôi chỉ đạo bộ phận chức năng rà soát, đối chiếu số liệu thanh toán, tạm ứng của từng dự án với chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, từ đó nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công trên tinh thần siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu”.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Đơn cử, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn mới giải ngân 26,696 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch năm. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan chủ quản, công tác chuyển vốn cho chủ chương trình tại tỉnh bị chậm. Bộ Nông nghiệp và PTNT mới chuyển vốn đợt 1 cho dự án vào tháng 11-2020. Được biết, ngày 7-12, Sở Nông nghiệp và PTNT đã gửi hồ sơ đề nghị cấp vốn đợt 2 (16,7 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa có.

Công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hà Duy
Tính đến ngày 9-12, toàn tỉnh đã giải ngân 2.642,1 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch. Cụ thể, nguồn ngân sách địa phương 1.093,79 tỷ đồng, đạt 77,9% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu 388,336 tỷ đồng, đạt 77,7% kế hoạch; các chương trình mục tiêu quốc gia 546,524 tỷ đồng, đạt 79,1% kế hoạch; vốn nước ngoài 223,5 tỷ đồng, đạt 63,7% kế hoạch; vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 380,4 tỷ đồng, đạt 78,8% kế hoạch.

Đến nay, Dự án hồ chứa nước Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) đã giải ngân 39,724 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch năm. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế làm vượt mức vốn bố trí trong trung hạn 2016-2020 khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Ngoài ra, công tác tư vấn lập hồ sơ, thiết kế khảo sát vật liệu đất không đúng thực tế thi công dẫn đến phải điều chỉnh dự án và tăng kinh phí đầu tư. Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh phương án điều tiết năm sang điều tiết nhiều năm và đề nghị bổ sung một số hạng mục đường vào khu sản xuất trong lòng hồ, nhà quản lý…

Bên cạnh đó, các dự án sử dụng vốn dự phòng chung ngân sách trung ương đã giải ngân 6,94 tỷ đồng, đạt 13,9% kế hoạch vốn. Còn các dự án sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 và kinh phí trung ương hỗ trợ khắc phục thiên tai năm 2019 hiện cũng mới giải ngân 9,543/80 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch vốn.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công. “Các chủ đầu tư và lãnh đạo đầu ngành phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu không hoàn thành kế hoạch”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm