Kinh tế

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 7.506 tỷ đồng. Trong đó, 5 dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) với tổng vốn đăng ký 493,8 tỷ đồng gồm: Nhà máy chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore); Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên Đá Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức); Nhà máy chế biến nông sản Olam và Dự án Nhà máy thu mua, sơ chế nông sản của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai (Singapore); Nhà máy chế biến cà phê ACOM của Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Thụy Sĩ) và Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac (Thụy Sĩ).

7 dự án FDI còn lại đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với số vốn đăng ký gần 7.050 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là mua cổ phần, mua phần vốn góp các dự án điện gió, chăn nuôi, chế biến nông-lâm sản...

Có thể kể tới như: Trung tâm giống gà trứng công nghệ cao của Công ty TNHH một thành viên Giống gia cầm Kbang (Australia IFC); Trung tâm giống heo công nghệ cao của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Kbang (Australia IFC); Nhà máy điện gió của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai (thuộc Tập đoàn HBRE) với sự góp vốn của Super Energy Corporation (Thái Lan); Dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng một số đối tác khác hợp tác đầu tư tại huyện Chư Pưh...

Mới đây nhất là Dự án Nhà máy may và gia công chế biến gỗ của Cellutane Company Limited và Công ty TNHH một thành viên Cellutane Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh.

Các đại biểu tham dự “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai”. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ông Kulhans Singhvi-Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai-cho biết: “Chi nhánh bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại Gia Lai từ năm 2006. Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư cũng như nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Vì vậy, trong những năm qua, hoạt động của Chi nhánh luôn ổn định”.

Là “tân binh” vừa gia nhập vào cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Gia Lai, ông Yagi Sho-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cellutane Việt Nam-chia sẻ: “Đầu tư Dự án Nhà máy may và gia công chế biến gỗ là quyết định của chúng tôi sau nhiều lần khảo sát kỹ lưỡng tại Gia Lai. Trước đó, Công ty của chúng tôi tại Nhật Bản đã vinh dự đón tiếp đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến tham quan và mời gọi đầu tư.

Khi đến Gia Lai, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành”.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh song những năm qua, tình hình thu hút đầu tư khu vực FDI của Gia Lai chỉ đứng thứ 4 khu vực Tây Nguyên. Để thu hút đầu tư khu vực FDI, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác, tham gia các diễn đàn quảng bá địa phương, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài.

Điển hình như chuyến công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn tham gia “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai” tại tỉnh Jeonllabuk (Hàn Quốc) hồi tháng 9-2023.

Tại đây, các hợp tác xã và doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký kết các bản ghi nhớ về hợp tác nhằm hỗ trợ tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch…

Hay đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung làm trưởng đoàn đã đến Nhật Bản để quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư hồi tháng 8-2023. Thành công của chuyến đi là đã mời gọi được Công ty TNHH một thành viên Cellutane Việt Nam đầu tư Dự án Nhà máy may và gia công chế biến gỗ tại Chư Păh…

Bên cạnh đó, Gia Lai cũng tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, thu hút đầu tư tại các nước Ấn Độ, Lào, Singapore… Đồng thời, đón tiếp nhiều đoàn công tác của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh. Tất cả đều tạo nên kỳ vọng về việc thu hút một làn sóng đầu tư FDI mới trong tương lai không xa, khi môi trường đầu tư của Gia Lai ngày càng cởi mở, thân thiện.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Gia Lai tiếp tục đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư và thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh những hoạt động trong nước kết hợp với xúc tiến đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn quốc tế nhằm đẩy mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và các doanh nghiệp có tiềm lực, tỉnh lấy xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm; tăng cường công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài”.

Có thể bạn quan tâm