Điểm đến Gia Lai

Gia Lai: Định hướng hành vi giao thông chuẩn mực trong học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ chiếc quạt nhựa được in thông điệp ngắn gọn về an toàn giao thông (ATGT) học đường, các em học sinh đã có thể điều chỉnh hành vi giao thông để tự bảo vệ mình và người khác. Cùng với đó, nhiều giải pháp cũng đã được nhà trường và các ngành liên quan đưa ra nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh.
Truyền thông rộng rãi bằng... chiếc quạt
Để bổ trợ tuyên truyền chương trình “Giảm tốc độ-trường học an toàn” do Quỹ Phòng-chống Thương vong châu Á (AIP) tài trợ, Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, các sở, ngành thành viên và đại diện Quỹ AIP đã có nhiều buổi làm việc để lựa chọn giải pháp truyền thông về ATGT quanh khu vực trường học đến phụ huynh và học sinh. Sau nhiều buổi thảo luận, tất cả thành viên thống nhất lựa chọn hình thức tuyên truyền thông qua… một chiếc quạt. “Trên chiếc quạt có những thông điệp cụ thể, dễ hiểu, dễ ghi nhớ để phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng nắm bắt, từ đó điều chỉnh hành vi giao thông”-ông Phạm Hiếu Trình-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-chia sẻ.
Chiếc quạt tưởng như chỉ là một vật dụng bình thường nhưng mang lại hiệu quả tuyên truyền không nhỏ, bởi trong những ngày nắng nóng, mỗi lần sử dụng chiếc quạt, người dùng sẽ bị thu hút bởi những minh họa sinh động. Quạt được in những thông điệp cụ thể định hướng hành vi giao thông như: “Tốc độ sử dụng trong khu vực trường học thông thường được quy định là 30 km/giờ. Việc hạn chế tốc độ vận hành 30 km/giờ sẽ giảm đến 90% nguy cơ tử vong khi không may xảy ra tai nạn giao thông”, “Không dừng xe trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ”, “Đi chậm, giữ khoảng cách an toàn và nhường đường cho người đi bộ sang đường”, “Phụ huynh phải nhắc nhở các em xuống xe ở phía bên phải phương tiện”… Ông Phạm Hiếu Trình thông tin thêm: “Vừa qua, chúng tôi đã phát 50.000 chiếc quạt nhựa đến phụ huynh học sinh 59 trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku, huyện Đak Đoa và Chư Pah. Chiếc quạt có hình thức đẹp và bền để có thể sử dụng lâu dài. Từ những chiếc quạt truyền thông này, sẽ có hàng ngàn phụ huynh, học sinh tiếp cận và nắm bắt được những quy định cụ thể nhất để định hướng hành vi giao thông chuẩn mực mỗi khi lưu thông qua khu vực trường học”.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah, Gia Lai) thích thú với sản phẩm quạt truyền thông an toàn giao thông. Ảnh: L.H
Nhiều phụ huynh đã đánh giá cao việc truyền thông qua chiếc quạt này. “Lâu nay, tôi nghĩ đơn giản di chuyển qua trường học vào giờ cao điểm thì phải điều chỉnh tốc độ chậm lại. Tuy nhiên, chỉ là cảm tính mình định hướng hành vi vậy thôi, còn cụ thể như thế nào thì nhờ chiếc quạt này tôi mới nắm rõ”-anh Lê Văn Mạnh (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ.
Vì trường học an toàn
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Gia Lai có trên 400 ngàn học sinh theo học tại 745 trường học các cấp. Trong năm học này, TP. Pleiku là địa phương đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm chương trình cải tạo môi trường giao thông tại 28 trường tiểu học, với sự tài trợ của Quỹ AIP và từ nguồn kinh phí ATGT của tỉnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” với mục tiêu cải thiện kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cũng sẽ được triển khai trên địa bàn 5 huyện: Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ và thị xã An Khê, TP. Pleiku. Theo đó, sẽ có 101 xã, phường, thị trấn với 952 khu dân cư, tương ứng trên 696 ngàn người nằm trong vùng hưởng lợi từ dự án. “Qua khảo sát bước đầu, chỉ tính riêng dọc trục quốc lộ 19 đã có 40 xã với 18 khu vực đông dân cư và gần 220 ngàn người được hưởng lợi. Đặc biệt, tại đây có 41 trường học có cổng trường đấu nối trực tiếp vào quốc lộ 19 với hơn 20 ngàn học sinh; 44 trường học cách quốc lộ 19 trong phạm vi 500 m với hơn 27 ngàn học sinh đi học trên quốc lộ. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ trong việc tăng cường đảm bảo ATGT nói chung, ATGT trường học nói riêng tại những vùng trong phạm vi hưởng lợi của dự án”-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết.
Phát biểu tại một buổi thảo luận liên quan đến ATGT khu vực trường học, Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-thông tin: Trong thực tế, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn TP. Pleiku phần lớn không diễn ra tại khu vực trong và xung quanh trường học mà chủ yếu trên đường các em đến trường hoặc về nhà. “Do đó, truyền thông ATGT không chỉ dừng ở phạm vi nhà trường mà còn phải hướng đến phụ huynh và toàn xã hội”-Thượng tá Cảnh nêu quan điểm.
Trao đổi với P.V, cô Mai Thị Sáu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng cho biết: “An toàn giao thông học đường là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm. Bên cạnh giáo dục tri thức, chúng tôi rất chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh, trong đó, bảo vệ mình trước rủi ro tai nạn giao thông là một trong những kỹ năng quan trọng, không thể lơ là, xem nhẹ”. 
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm