Nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn đối mặt với khó khăn về vốn và lãi suất vay liên tục tăng cao. Điều này trở nên nan giải hơn khi mà cánh cửa hạ lãi suất càng thu hẹp. Bởi, mới đây Chính phủ đưa ra các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó thắt chặt tiền tệ sẽ được các ngân hàng triển khai trong nay mai.
Như vậy, kỳ vọng của doanh nghiệp khi bước qua năm tài chính mới 2011 về mặt bằng lãi suất giảm khó xảy ra. Hiện nay, lãi suất cho vay được áp dụng phổ biến ở nhiều ngân hàng là 16-20%/năm. Lãi suất ngân hàng tăng làm chi phí đầu vào cao “cộng hưởng” với sự tăng giá của yếu tố đầu vào khác như: Điện, xăng dầu và cả việc điều chỉnh tỷ giá USD.
Quầy giao dịch Ngân hàng. Ảnh: Đức Thụy |
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận vốn càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tài sản đảm bảo vốn vay gần như đã nằm ở ngân hàng cho việc đầu tư những dự án trước đó nên khi có dự án mới, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm vốn ngân hàng để đầu tư. Vừa không có tài sản thế chấp, vừa không được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, phương án mở rộng sản xuất kinh doanh tạm thời chưa triển khai.
“Là doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá USD, tuy nhiên các yếu tố đầu vào như lãi vay ngân hàng tác động rất mạnh, dù đã được áp mức lãi thấp so với các ngành nghề kinh doanh khác. Trên thực tế, chênh lệch tỷ giá cũng không còn nhiều ý nghĩa”- bà Lan Anh- Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nói.
Rõ ràng, lãi suất cao là một trở ngại lớn đối với kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp. Cân nhắc tỷ suất lợi nhuận trước khi triển khai một dự án sản xuất, kinh doanh là điều doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến.
Thảo Nguyên