Theo đó, đối với Chỉ số SIPAS, năm 2023 là năm thứ 2 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công. 9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách CCHC nhà nước.
Bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2023 của các tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh nguồn: Bộ Nội vụ |
Ở chỉ số này, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu với kết quả đạt 90,61%; đứng thứ 2 tỉnh Thái Nguyên đạt 90,29%; thứ 3 tỉnh Hải Dương đạt 90,23%. Còn Gia Lai đứng thứ 19, đạt 83,84% (giảm 3 bậc so với năm 2022, nhưng dẫn đầu khu vực Tây Nguyên).
Đối với Chỉ số PAR INDEX, kết quả đạt được của các bộ, ngành và UBND các địa phương khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022. Đây là năm thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.
Bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh nguồn: Bộ Nội vụ |
Ở chỉ số này, tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với 92,18%; thứ 2 là Hải Phòng đạt 91,87%; thứ 3 là Hà Nội đạt 91,43%. Gia Lai đứng thứ 58 với 82,17% (bằng thứ hạng năm 2022 và xếp thứ 5 khu vực Tây Nguyên).