(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.
Theo đó, Kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho Năm An toàn giao thông 2022 gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch số 219-KH/TU ngày 3-5-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông (ATGT) các cấp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT; tăng cường quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng có liên quan đến TTATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép các mục tiêu ATGT, phòng tránh ùn tắc giao thông vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch cấp tỉnh và các quy hoạch liên quan đến giao thông-vận tải, xây dựng.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; quản lý, bảo vệ có hiệu quả công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.
Lực lượng Công an tỉnh Gia Lai ra quân đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Ảnh: Lê Anh |
Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
Tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thủy nội địa; siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; đẩy mạnh đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hạ tầng số; phát huy vai trò hệ thống thông tin cơ sở; tiếp tục tập trung vận động cá biệt đối với thanh thiếu niên; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong bảo đảm TTATGT.
Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng-chống dịch bệnh trong giao thông-vận tải; tăng cường các hoạt động chuyên đề, cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo đảm khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cơ quan chức năng trong bảo đảm TTATGT.
Nâng cao năng lực cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, chữa trị và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng chức năng, tình nguyện viên và người tham gia giao thông.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch hoạt động, bố trí kinh phí, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kiên trì, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là trong quản lý, điều hành vận tải; điều khiển giao thông; tuyên truyền ATGT; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT.
KIỀU PHAN