Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Hướng dến nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạn hán, mưa lũ, dịch bệnh trên cây trồng gây thiệt hại cho nông dân hàng ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa…   

 Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa 2016 Ảnh: L.N
Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa vụ mùa 2016. Ảnh: L.N

Những tháng đầu năm 2016, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu nước tưới diễn ra gay gắt trên toàn tỉnh, gây nhiều thiệt hại đến sản xuất. Hạn hán làm hơn 30.556 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước, giảm năng suất và mất trắng. Trong 2 tháng cuối năm 2016, mưa lũ tiếp tục xảy ra tại các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh, làm thiệt hại với giá trị khoảng 190 tỷ đồng.

Vượt qua những khó khăn và ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu trong vụ Đông Xuân 2015-2016, sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, theo hướng đa dạng, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và bền vững. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng năm 2016 là 526.385 ha (đạt 102,5% kế hoạch năm). Trong đó, cây lương thực có hạt là 124.753 ha, cây tinh bột có củ 66.739 ha, cây thực phẩm 45.430 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 46.350 ha, cây công nghiệp dài ngày 46.350 ha… Diện tích, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng vụ Đông Xuân, vụ mùa tăng hơn so với năm trước. Nhờ đưa giống mới vào sản xuất và áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn nên năng suất mía năm 2016 ước đạt 608,3 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với năm 2015.

Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm 2016, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu vụ đã có dấu hiệu thiếu nước tưới. Từ dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Sở đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt phương án chống hạn như đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm 2015, chuyển một số diện tích thường xuyên bị hạn sang cây trồng cạn và kiên quyết không sản xuất trên những chân ruộng thường xuyên thiếu nước… vì vậy đã giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Với cây công nghiệp dài ngày, việc thiếu nước tưới đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa kết trái gây giảm năng suất. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người trồng cà phê đã thay đổi tập quán sử dụng nước, tưới nước tiết kiệm, đảm bảo và duy trì phát triển cho cây cà phê. Tuy năng suất cà phê có giảm so với niên vụ trước nhưng bù lại giá cao hơn với mức 45.000 đồng đến 46.000 đồng/kg nhân, đã phần nào bù đắp thiệt hại cho người trồng... Trên địa bàn tỉnh tiếp tục hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị cao, gắn với công nghiệp chế biến; các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, vật nuôi nâng cao; hiệu quả sản xuất và thu nhập người dân tăng lên và cải thiện rõ nét.

Năm 2017, sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục bị tác động trước biến đổi khí hậu. Trước thực tế đó, tại hội nghị sơ kết công tác tháng 12-2016 và triển khai nhiệm vụ tháng 1-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017, khẩn trương thực hiện các quy hoạch ngành, đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kế hoạch phát triển cánh đồng lớn, tái canh cà phê, tưới tiết kiệm nước. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp… đảm bảo tốt cho sản xuất và ổn định cuộc sống người dân.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm