(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong bối cảnh chỉ số huy động vốn tăng tới 5.736 tỷ đồng thì chỉ số tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm hơn 2.361 tỷ đồng so với đầu năm nay. Điều này cho thấy hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến tương tự theo biểu đồ tăng trưởng năm 2021. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.
* P.V: Xin ông cho biết hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh trong 4 tháng đầu năm có điểm gì nổi bật?
Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Sơn Ca |
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Tính đến hết tháng 4, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 95.700 tỷ đồng, giảm 2.361 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 2,4% so với đầu năm 2022. Tổng nguồn vốn huy động đạt 53.487 tỷ đồng, tăng 5.736 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm 2022. Đà suy giảm dư nợ bắt đầu từ tháng 3 trở đi, trong khi huy động vốn lại tăng trưởng tích cực ở hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại.
Một điểm rất đáng ghi nhận là nợ xấu toàn ngành tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã kéo giảm hơn 560 tỷ đồng nợ xấu. Kết quả này đưa tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm 1,5%/tổng dư nợ. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách có liên quan, kiểm soát chặt chẽ, giữ ổn định theo đúng chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
* P.V: Trong khi nguồn vốn huy động có sự tăng trưởng mạnh mẽ thì dư nợ cho vay lại sụt giảm so với đầu năm. Điều này đã phản ánh điều gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Liên quan đến chỉ số dư nợ cho vay đang trên đà giảm sâu thể hiện rõ nhu cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp và người dân đang tạm thời hạn chế đầu tư, các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa vào mùa vụ sản xuất kinh doanh chính. Mặt khác, nền dư nợ hiện hữu gần 96 ngàn tỷ đồng vẫn đang giữ vai trò chủ lực, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực của địa phương. Đối với chỉ số huy động vốn đang trên đà tăng trưởng tích cực, nguyên nhân tác động từ việc dư nợ giảm thì dòng vốn nhàn rỗi trú ẩn tạm thời vào kênh huy động vốn ngân hàng. Cộng thêm một yếu tố là thị trường bất động sản vùng ven sôi động, người dân đã trả hết nợ ngân hàng và gửi tiết kiệm.
Có thể thấy rằng, tình hình hoạt động ngân hàng 4 tháng đầu năm đang diễn biến tương tự năm 2021. Kết quả này góp phần nâng tỷ trọng huy động vốn cân đối được 56% tỷ trọng dư nợ cho vay trên địa bàn. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận trong hoạt động ngân hàng hiện nay.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các chương trình huy động vốn với lãi suất hấp dẫn để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi. Ảnh: Sơn Ca |
* P.V: Từ diễn biến hoạt động ngân hàng và dự báo khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh, ngành Ngân hàng dự báo đến hết quý II-2022, tình hình huy động vốn tăng khoảng 18%, dư nợ cho vay có khả năng bằng chỉ số đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm còn 1,4%/tổng dư nợ. Để đạt được kết quả này, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động, linh hoạt trong thực hiện kế hoạch kinh doanh. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung đầu tư tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư kinh doanh bất động sản, hoạt động đầu tư chứng khoán doanh nghiệp... Đặc biệt, chủ động bám sát nội dung hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh sắp tới để có kế hoạch đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nghị định về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Chúng tôi tin tưởng rằng, việc triển khai đồng bộ, kịp thời và đầy đủ các giải pháp nêu trên không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi phát triển mà còn là yếu tố quan trọng để ngành Ngân hàng thực hiện tốt các chỉ tiêu theo định hướng đề ra trong năm 2022.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
SƠN CA (thực hiện)