Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Lấy ý kiến 2 mẫu phác thảo tượng đài Tây Sơn Tam kiệt và Phù điêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 15-7, tại tiền sảnh Khu Bảo tàng Hồ Chí Minh (trực thuộc Bảo tàng tỉnh, số 21 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức trưng bày 2 mẫu phác thảo “Tượng đài Tây Sơn Tam kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai nhằm lấy ý kiến góp ý của Nhân dân và du khách.

Thời gian lấy ý kiến đối với 2 mẫu phác thảo “Tượng đài Tây Sơn Tam kiệt và Phù điêu” kéo dài từ ngày 15-7 đến hết ngày 21-7-2024.

Tiền sảnh Khu Bảo tàng Hồ Chí Minh (trực thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai) là nơi trưng bày các mẫu phác thảo “Tượng đài Tây Sơn Tam kiệt và Phù điêu” để lấy ý kiến Nhân dân và du khách. Ảnh: Lam Nguyên

Đây là 2 mẫu phác thảo được xét chọn vào vòng hai trong tổng số 5 mẫu (của 3 tác giả, nhóm tác giả) đã nộp hồ sơ sau khi UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch về tổ chức cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam kiệt và Phù điêu” vào tháng 4-2024.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm phương án, mẫu phác thảo đạt chất lượng mỹ thuật cao nhất để xây dựng tại Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê), qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc; đồng thời tạo điểm nhấn văn hóa, thu hút du khách.

Cụ thể, mẫu phác thảo mang mã số H258 có chủ đề “Phong trào Tây Sơn Thượng đạo” là công trình nghệ thuật có bố cục hình, khối, mảng, diện được sắp xếp biểu hình bông dã quỳ đang nở. Phần trung tâm-nhụy hoa tạo hình một vòm cung như mặt trời lúc rạng đông. Vai trò của người lãnh đạo, dẫn dắt cuộc khởi nghĩa được bố trí ở phía trước, đó là cụm tượng tròn tạc dựng 3 anh em nhà Tây Sơn, thể hiện rõ ý chí và khí thế của từng nhân vật.

Mẫu phác thảo mang mã số H258. Ảnh: Lam Nguyên

Lớp phù điêu dày (còn gọi là cốt 1), gồm cánh trái và cánh phải diễn tả lực lượng quân sự của phong trào Tây Sơn khi tiến quân xuống đồng bằng với cảnh phác dựng nghĩa sĩ cưỡi ngựa chiến và binh sĩ cầm giáo dài, quân bộ binh tay cầm đao kiếm, khiên cùng đội người cưỡi voi ra trận. Các nhân vật là những người dân bản địa dáng dấp khỏe mạnh, thiện chiến.

Kế tiếp lớp phù điêu cốt 1 là hai cánh phù điêu mỏng (phù điêu cốt 2) đặc tả phong cảnh rừng núi trùng điệp, thấp thoáng là mái đình, miếu là nơi binh sĩ mới đang được huấn luyện bổ sung cho nghĩa quân. Cùng với đó là các hoạt cảnh đồng bào Bahnar đánh cồng chiêng trong lễ hội.

Trong khi đó, tượng đài trong mẫu phác thảo mang mã số H259 chủ đề “Tây Sơn tụ nghĩa” sử dụng phương pháp tả thực về hình khối nhưng không gian mang tính khái quát, ước lệ, đồng hiện. Ở giữa là 3 nhân vật Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trong dáng đứng thẳng, mắt hướng về phía trước, đầu ngẩng cao, phong thái giản dị nhưng toát lên ngạo khí của những vị dũng tướng.

Mẫu phác thảo mang mã số H259. Ảnh: Lam Nguyên

Hai bức phù điêu đặc tả lực lượng đông đảo của nghĩa quân Tây Sơn. Tượng đài và phù điêu được liên kết theo trục ngang tạo hình những dãy núi xen lẫn tàng cây và các nhân vật lịch sử. Tiếp nối là tạo hình liên kết theo trục dọc gồm khối tượng nhân vật, những ngọn cờ đào, khối cây cổ thụ, với hàng cồng chiêng đá, cổng đá… tạo thành hợp thể thống nhất mang giá trị thẩm mỹ cao, đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm.

Được biết, sau thời gian trưng bày tại tiền sảnh Khu Bảo tàng Hồ Chí Minh để lấy ý kiến rộng rãi và chấm vòng 2, lễ tổng kết, trao giải cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8-2024.

Có thể bạn quan tâm