Kinh tế

Gia Lai: Mì rớt giá người dân lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hệ lụy của việc trồng mì ồ ạt, thiếu quy hoạch đã khiến cho các hộ dân trồng mì ở xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa lâm vào tình trạng khốn đốn. Đang giữa mùa thu hoạch nhưng giá mì trên địa bàn tỉnh đang rớt ở mức thấp 2.500 đồng/kg mì khô và 500-700 đồng/kg mì nguyên củ.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đak Sơ Mei có 900 ha đất trồng cây mì, trên tổng số diện tích đất trồng cây của xã là 1.871 ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 1.300 tấn. Cây mì giúp người dân trên địa bàn có cơm ăn, áo mặc, dần thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Nhân dân trong xã Đak Sơ Mei đang trông đợi vào vụ mì năm 2012. 
Dù mì rớt giá nhưng người dân vẫn phải thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Tú
Dù mì rớt giá nhưng người dân vẫn phải thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Tú
Thế nhưng, năm nay mì đang mất mùa và rớt giá, khiến cho các hộ dân trồng mì lao đao. Nguyên nhân chính là do những năm trước mì có giá cao, chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, cây mì phát triển nhanh cho sản lượng cao. Vì thế các hộ dân trong xã đồng loạt trồng loại cây này, khiến cho đất bạc màu nhanh, năng suất sụt giảm, cộng với việc diện tích tăng nhanh đã đẩy giá mì xuống thấp.
Anh Y Sung trồng hơn 1ha mì, nhưng do đất bạc màu vì trồng nhiều năm; đầu vụ mì, anh đã vay hơn 6.000.000 đồng để mua phân bón cho cây, nay mì rớt giá nhưng vẫn phải nhổ để trang trải nợ nần và lo cho gia đình. Anh cho biết: “Thấy năm trước mì có giá cao, đầu vụ này gia đình tôi liều vay thêm vốn đầu tư nhưng nay giá thấp quá, nhổ sớm cũng tiếc, còn không nhổ để lâu trong đất mì sẽ thối củ và thiếu tiền trả nợ. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, công thuê người làm chẳng còn lại là bao”.
Không riêng gì gia đình Y Sung, nhiều hộ dân trong xã Đak Sơ Mei đang “khốn khổ” với cây mì; diện tích đất trồng mì đã nhiều năm, bạc màu dẫn đến việc mì ít củ và củ nhỏ, sản lượng thu hoạch thấp. Trong khi đó, giá mì ở mức thấp 2.500 đồng/kg và rất ít người thu mua, khiến cho lượng mì tồn đọng trong nhà dân khá nhiều.
Theo chị Nguyễn Thị Phương (một chủ đại lý thu mua mì tại đây) thì: “Giá mì biến động thất thường, đầu vụ giá 4.000-4.500 đồng/kg và cứ rớt dần, bây giờ còn 2.500 đồng. Các tiểu thương không dám thu mua, mà có thu mua cũng chỉ cầm chừng vì sợ thua lỗ”.
Ngược lại với giá mì, giá nhân công khá cao: 120.000 đồng/ngày. Vì mì rớt giá và mất mùa, nhưng các hộ dân đều cố gắng thu hoạch, giải tỏa mặt bằng để trồng cây khác, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công.
Theo ông Đặng Văn Linh- Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh: Năm nay trên toàn tỉnh có tổng diện tích đất trồng mì là 63.352 ha, vượt chỉ tiêu 10.000 ha, với tổng sản lượng ước khoảng 1.015.000 tấn. Và, đến thời điểm này, chưa có địa phương nào báo cáo tình hình nên lãnh đạo Sở cũng chưa có biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng trên.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm