Kinh tế

Gia Lai: Mô hình trồng mì xen đậu xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Còn 2 tháng nữa thì 1,5 ha mì của gia đình anh Rơ Châm Uenh, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) mới đến kỳ thu hoạch, song cứ nhìn đám mì giống KM95 lá xanh, thân cao đầy sức sống cũng có thể dự báo năm nay anh được mùa.
Anh Uenh bảo: “Gần 2 tháng trước, cũng trên diện tích này, tôi thu 750 kg đậu xanh. Giá đậu trên thị trường hiện tại ở mức 25.000 đồng/kg, gia đình đã có gần 20 triệu đồng. Còn với mô hình trồng mì giống KM95 xen đậu xanh giống HL 89-E3 tôi sẽ thu khoảng 60 triệu đồng.
 
Mô hình trồng mì xen đậu xanh.
Mô hình mà anh Uenh đang áp dụng do Trạm Khuyến nông huyện Chư Pah hỗ trợ. Bà Đinh Hluyện-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Pah cho biết: Cách đây 5 tháng, cán bộ của Trạm vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số làng Kép 1 tham gia mô hình trồng mì xen đậu xanh, quy mô 4 ha (phân bổ cho 2 xã Ia Ly và Ia Mơ Nông, mỗi xã 2 ha).
Theo đó, hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng, chăm sóc nhưng không hộ nào chịu làm, chỉ mình gia đình Uenh tham gia. Vì vậy, diện tích phân bổ cho xã Ia Mơ Nông còn lại được chuyển sang cho xã Ia Ly.

Điều đáng mừng là quá trình thực hiện, 3 hộ dân xã Ia Ly chủ động đưa thêm đậu phụng, đậu tương… vào trồng thử nghiệm, kết quả mang lại rất khả quan. Điều này chứng minh không chỉ cây đậu xanh mà tất cả các loại cây họ đậu trồng xen với mì đều cho kết quả tốt. Chị Nguyễn Thị Vân, làng Ia Pin, xã Ia Ly-một trong những hộ đưa cây đậu phụng, đậu tương trồng xen khẳng định cây đậu phát triển tốt. Bên cạnh đó, mô hình trồng đậu xen cây mì chi phí làm cỏ giảm được vài trăm ngàn đồng/ha. Chị tin 1 ha mì sẽ thu không dưới 30 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, cây mì là loại cây trồng thuộc nhóm làm cạn kiệt độ phì nhiêu của đất, nên khi đưa cây họ đậu vào trồng sẽ góp phần cải tạo đất. Bà Lê Thị Ngọc Sơn-cán bộ phụ trách kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Chư Pah khẳng định: Cây đậu xanh có khả năng cải tạo đất nhờ các nốt sần trên rễ. Nốt sần này có chứa vi khuẩn Rhizobium có khả năng cố định đạm tự do của khí trời (N2) thành dạng đạm dễ tiêu (NO3) cung cấp cho cây trồng và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Độ phì nhiêu của đất tiếp tục được cải thiện khi thu hoạch đậu, nông dân sử dụng thân, lá, rễ cây đậu đắp vào gốc mì, đến thời kỳ phân hủy sẽ tạo thêm độ mùn, tăng dinh dưỡng góp phần phục hồi độ phì nhiêu của đất, giữ độ ẩm cho đất.
Tính ưu việt của mô hình xen canh này còn thể hiện ở chỗ: Quy trình trồng xen 2 hàng đậu giữa 2 hàng mì đã tận dụng tối đa quỹ đất. Tùy theo chất đất mà đưa ra số lượng hom giống mì. Đất tốt, bằng phẳng thì sử dụng 12.000-14.000 hom giống/ha; đất xấu có độ dốc tương đối thì sử dụng 14.000-16.000 hom giống mì/ha. Mật độ đậu trồng xen bằng 60% so với trồng độc canh. Tùy theo thời gian sinh trưởng của cây họ đậu mà chọn lựa thời gian trồng xen phù hợp đảm bảo nguyên tắc: Cây đậu thu hoạch, cây mì chưa khép tán. Cây họ đậu kết tán chiếm hết khoảng trống, nên cỏ không mọc được, chi phí ngày công làm cỏ giảm, thu nhập trên đơn vị diện tích đất tăng lên. Uớc tính, 1 ha trồng đậu xanh xen với mì đạt mức thu nhập gần 43 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa và làm đất gần 13 triệu đồng, nông dân lãi gần 30 triệu đồng.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm