Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai mưa đầu mùa giải hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 18-3 trên địa bàn một số huyện, thành phố của tỉnh Gia Lai đã xuất hiện cơn mưa giông cục bộ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Cơn mưa đã góp phần bổ sung lượng nước tưới và giảm áp lực nước tưới cây công nghiệp cũng như nguy cơ cháy rừng tại một số địa phương của tỉnh.
Mưa giông xuất hiện trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên-cho biết: Từ ngày 10-3, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đã phát đi bản tin cảnh báo về mưa giông cục bộ, trái mùa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, tập trung từ ngày 17 đến 19-3 sẽ xảy ra mưa giông trái mùa, cục bộ kèm hiện tượng giông, lốc, sét.
Cụ thể, vào chiều 17-3, tại 2 làng Kon Bông và Kon Trang của xã Đak Rong (huyện Kbang) xuất hiện cơn mưa đá rất lớn, kéo dài khoảng 30 phút. Mưa đá đã làm dập một số diện tích lúa nước của người dân. Được biết, tổng diện tích lúa nước vụ Đông Xuân của 2 làng là 80 ha, hầu hết vừa gieo, cấy và đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Ngoài ra còn 1 số diện tích cà phê bị mưa đá làm rách lá, rụng quả. Hiện địa phương đang thống kê thiệt hại về cây trồng của người dân bị ảnh hưởng do mưa đá.
Cơn mưa đá kéo dài khoảng 30 phút gây thiệt hại cây trồng của người dân tại xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: Hồng Hạnh
Đối với người dân ở khu vực phía Tây tỉnh như Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh thì sau nhiều ngày nắng nóng, cơn mưa kéo dài gần 1 giờ đồng hồ vào lúc 17 giờ chiều 18-3 đã giải tỏa phần nào sự oi bức và áp lực nước tưới cho cây công nghiệp. Anh Đồng Viết Hòa (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) cho biết: Gia đình anh hiện có hơn 100 cây sầu riêng đang thời điểm trổ hoa rộ, cơn mưa làm cho vườn cây tăng thêm độ ẩm, phần nào tiết kiệm được chi phí trong việc tưới nước. Tuy nhiên, anh cũng lo lắng bởi cây sầu riêng đang trong thời điểm ra hoa, anh đang thụ phấn cho vườn cây, nếu mưa kéo dài sẽ trôi hết phấn và làm giảm khả năng đậu quả.
Cơn mưa bất chợt xua tan nắng nóng, giải cơn khát cho những vườn cà phê. Ảnh: Anh Quân

Với người trồng cà phê, hồ tiêu ở huyện Chư Sê, cơn mưa đã làm giảm bớt phần nào áp lực nước tưới trong thời điểm hiện tại. Anh Lê Lộc (làng Gran, xã Ia Hlôp, huyện Chư Sê) cho biết: Gia đình anh đang có hơn 3.000 cây cà phê, gần 1.500 gốc tiêu đang trong thời điểm tưới nước, cơn mưa này giúp cho vườn cây xanh tốt, độ ẩm cao và giảm bớt công sức tưới nước và nhất là giảm được chi phí đầu tư trong thời điểm giá xăng dầu đang tăng cao. 

Theo ông Huấn, nguyên nhân của các cơn mưa giông là do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường nhẹ xuống phía Nam và ảnh hưởng của phía Bắc dãy áp thấp xích đạo gây thời tiết hiếu động, gây mưa rào cục bộ một số nơi. Chiều 18-3, một số địa phương của tỉnh Gia Lai cũng đã xuất hiện mưa rào và giông cục bộ kéo dài khoảng 1-2 giờ đồng hồ với lượng mưa từ 20-30mm như TP. Pleiku, huyện Đak Đoa, Chư Păh, Mang Yang. Riêng tại xã Krong (Kbang), lượng mưa gần 30mm. 
“Những khu vực có mưa xuất hiện góp phần giảm áp lực về cháy rừng nhưng do mưa cục bộ và diện hẹp, lượng mưa không quá lớn nên người dân và các cơ quan chuyên môn không nên chủ quan mà tiếp tục chỉ đạo phòng phòng-chống cháy rừng”-ông Huấn khuyến cáo.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tại mưa đang giông phát triển mạnh tại các huyện Ia Pa, Chư Păh, TP. Pleiku, Đak Đoa, Kbang… Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ để phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét. Dự báo từ nay đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 tiếp tục có một vài cơn mưa giông cục bộ, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo về hiện tượng thời tiết giông, lốc, sét để có kế hoạch phòng, tránh thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, từ nay đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, bên cạnh mưa giông vào buổi chiều, người dân cần chủ động phòng tránh một số đợt nắng nóng cục bộ gay gắt…
NGUYỄN DIỆP - HỒNG HẠNH - ANH QUÂN

Có thể bạn quan tâm