Gia Lai: Nét mới ở Đồn Biên phòng Ia Nan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồn Biên phòng Ia Nan quản lý địa bàn xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) với 7 thôn, 3 làng, 8 km đường biên giới giáp với làng Lâm, huyện Ozađao, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia.
Trong những năm qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan đã vượt qua khó khăn thiếu thốn ban đầu, xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động phù hợp, sâu sát góp phần giữ vững an ninh vùng biên, tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa chính quyền và nhân dân khu vực biên giới. Dưới sự quản lý và tổ chức của đồn, nhân dân được tự do qua lại thăm thân, giao lưu văn hóa nhân lễ cúng Yàng, làm nhà mả, bỏ mả... và trao đổi, mua bán các nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất và đời sống.
Trên đường tuần tra. Ảnh: K.N.B
Trên đường tuần tra. Ảnh: K.N.B
Nhìn chung tình hình an ninh chính trị-trật tự xã hội trên địa bàn đồn đứng chân khá ổn định. Thỉnh thoảng một số kẻ xấu, FULRO lưu vong ở nước ngoài gọi điện về kích động bà con biểu tình, vượt biên nhưng nhờ chủ động, cảnh giác nên các vụ tụ tập, nhóm họp trái phép đều bị phanh phui, bóc gỡ. Những năm trước, một số người vượt biên gửi tiền, điện thoại liên lạc có phần nào làm xao động một số người có tâm lý hướng ngoại.
Tuy nhiên cùng với sự giáo dục tuyên truyền của các ban ngành, cuộc sống mới đổi thay từng ngày, chính sách dành nhiều sự quan tâm cho bà con các dân tộc, hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, xóa đói giảm nghèo,... đã khiến cho số ít kia trở nên xa lạ với cộng đồng. Người dân đã nâng cao nhận thức, thấy được giá trị của cuộc sống tốt đẹp mà Đảng, Bác Hồ mang lại nên không còn mơ hồ, ảo vọng xa xôi mà chuyên tâm làm ăn, xây dựng quê hương no ấm.
Thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số bà con dân tộc thiểu số, kẻ xấu đã lôi kéo, dụ dỗ, kích động một số thanh niên tụ tập gây rối, hủy hoại tài sản và trộm mủ cao su của doanh nghiệp. Điển hình là vụ xảy ra cuối tháng 9-2010, thanh niên làng Nú, làng Sơn gây gổ dẫn đến đánh nhau gây thương tích cho công nhân cao su. Thực hiện quy chế phối hợp, đồn cùng với chính quyền xã, Công ty 72 (Binh đoàn 15) gọi, hỏi, giáo dục, tổ chức đưa số thanh niên đánh nhau ra kiểm điểm trước cộng đồng và gia đình, cam kết không tái phạm. Đồn cũng liên tục phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các tổ tự quản an ninh thôn làng và tự quản đường biên, cột mốc.
Chính trị viên- Đại úy Rơ Mah Tuân cho biết: Với 2 đội công tác vận động quần chúng địa bàn và trinh sát, cán bộ, chiến sĩ thực hiện “3 bám 4 cùng” sâu sát nhân dân, hoạt động dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy đồn. Thượng úy Siu Phin, Trung úy Nguyễn Văn Quang là những tấm gương tiêu biểu của tinh thần vượt khó, làm tốt công tác vận động quần chúng được nhân dân tin tưởng, yêu mến, ủng hộ. Đồn cùng chính quyền địa phương vừa tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện chương trình phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, thống nhất đánh giá chương trình mang lại nhiều kết quả. Qua tuần tra đã giúp nhân dân khu vực biết được các dấu hiệu đường biên giới (do khu vực này chưa cắm được mốc) với 30 lượt người thuộc làng Sơn và làng Đức Hưng tham gia.
Công tác chống gian lận thương mại, vận chuyển lâm sản trái phép luôn được quán triệt thực hiện nghiêm túc. Địa bàn đồn đứng chân không còn rừng, trước sau đều là rừng cao su của Binh đoàn 15 . Tuy nhiên vì là địa bàn thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ trái phép từ các nơi, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa 2 Đồn Ia Kla, Ia Pnôn có nhiều đường mòn qua lại nên kẻ gian thường xé lẻ gỗ ra để vận chuyển bằng xe máy, xe công nông hoặc gùi cõng, khiến cho việc phát hiện, bắt giữ và xử lý gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay đang là mùa mưa cũng là thời điểm hoạt động vận chuyển gỗ trái phép diễn ra thường xuyên hơn, cán bộ, chiến sĩ phải rất vất vả để phát hiện, ngăn chặn, ổn định tình hình”- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan- Thiếu tá Nguyễn Minh Tòng- cho biết.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm