Phóng sự - Ký sự

Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mãi cho đến đầu tháng 5 tôi mới có cơ hội quay về lại Gia Lai, có nghĩa là sau ngày giải phóng tỉnh 17-3-1975 hơn một tháng. Quả là “trăm nghe không bằng một thấy”, từ khi chiếc ô tô tải chúng tôi đi nhờ từ Đà Nẵng rẽ vào quốc lộ 19- ngã ba cầu Bà Di (Bình Định), đặc biệt là khi chạm vào chân đèo An Khê, thì lòng như dâng trào bao kỷ niệm mà mới cách đó vài năm mảnh đất này- trước đó hai trăm năm có lẻ anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi tụ nghĩa ghi thêm vào những trang sử vàng của nước Nam ta- một thời tôi và đồng đội từng sống, công tác và chiến đấu trong sự che chở, đùm bọc của bà con nơi đây.

Đã gần một tháng, kể từ hôm giải phóng hoàn toàn An Khê (23-3) mà dọc theo quốc lộ 19, từ đầu đèo An Khê đến chân đèo Mang Yang hai bên đường dường như vẫn còn nguyên những gì của chiến trường để lại. Đồn bốt, vết tích của bom đạn cày xới, rào kẽm gai đủ kiểu của giặc vẫn còn chơ chỏng, nói như các chiến sĩ của ta là “vẫn như còn mùi thuốc súng đâu đây”...

Ảnh: Tư liệu

Những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm ấy, từ trong bạt ngàn những khu rừng già vùng Trà My, Quảng Nam, qua các bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng, những học viên Trường Cơ yếu Khu Trung Trung bộ chúng tôi biết được những gì đang diễn ra trên chiến trường từ Đông Nam bộ đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là Tây Nguyên, Gia Lai, Kon Tum... Rồi nữa, cả vùng căn cứ B (khu B) của Khu 5 những ngày ấy như sôi lên không khí háo hức tình nguyện của người người, lớp lớp ra phía trước. Các trường học quanh trường chúng tôi như: Trung cấp Nông- Lâm- Thủy lợi, Y sĩ, T.74..., gần như đóng cửa bởi không còn học viên. Suốt ngày đêm ùn ùn những đoàn xe tải trùm kín bạt, chở đầy người- quân dân chính đảng, vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm hướng về phía Nam và phía Đông Trà My (khu B).

Không khí ấy làm cho gần trăm học viên trường chúng tôi ngày đêm rạo rực, không còn tâm trí đâu mà học với hành, cho dù mọi nội quy, điều lệnh kỷ luật Quân Giải phóng gần như Ban Lãnh đạo nhà trường đã đều đem ra áp dụng để “cai quản” chúng tôi nhưng cũng gần như không mấy hiệu quả... Cho đến khi Buôn Ma Thuột (Đak Lak) giải phóng (10-3), rồi ít bữa sau Pleiku (Gia Lai) giải phóng (17-3) thì mọi cầu xin, hy vọng được nghỉ học để hòa cùng dòng người về giải phóng Tây Nguyên trong chúng tôi tắt ngấm. Và rồi nữa, cho đến khi Huế (26-3), Đà Nẵng (29-3) giải phóng, thì trường, lớp chúng tôi thật sự “tan rã” và những đoàn xe tải đưa chúng tôi xuống Đà Nẵng trong “sự đã rồi”. Đành vậy, lính cơ yếu mà- Hiệu trưởng nhà trường động viên bằng lời yêu thương như thế với những học viên của mình...

Pleiku những ngày đầu tháng 5 vô cùng sôi động. Mọi người, mọi cơ quan, đoàn thể, quân dân chính đảng đang dồn sức lo cho công việc an dân và xử lý bọn tàn quân ngụy sau di tản và lẩn trốn quay về trình diện với ta, và nhất là không khí chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại- mít tinh mừng chiến thắng vào trung tuần tháng 5. Tôi hòa ngay mình vào không khí chung ấy bằng cái vốn nghề cơ yếu vừa học ở trường, cho dù khóa học cho đến thời điểm đó chỉ mới phân nửa chặng đường. Chính từ công việc mà mình được tham gia trong những ngày đầu ấy, tôi có được những thông tin mà cho đến bây giờ sau ngần ấy chục năm vẫn như chưa hề rơi rớt; đó là ngổn ngang công việc từ sau giải phóng tỉnh nhà (17-3), cuốn hút mọi tâm trí và thời gian của các vị lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ...

Trước thời điểm lịch sử (30-4) mấy hôm, địch vẫn còn chút hy vọng từ quan thầy bên kia Thái Bình Dương mà ra sức điên cuồng chống trả, phản kích hòng chiếm lại những vùng đã được ta giải phóng; cố thủ, tử thủ những nơi chúng còn giữ được để lấy đó làm điều kiện cầu xin người Mỹ thương tình quay lại hà hơi tiếp sức chờ cơ hội bằng một “giải pháp có lợi” cho chúng. Chính vì thế, mà những vùng rừng núi bao la, hiểm trở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là nơi thuận lợi cho những kẻ sắp chết đuối chờ cọc. Bọn tề ngụy, tàn quân, rồi FULRO nữa với con số hàng ngàn tên vẫn còn ngoan cố, chưa chịu đầu hàng, trình diện, lẩn trốn và khi có cơ hội chúng chống phá từ cơ sở bằng thủ đoạn tuyên truyền kích động đồng bào bôi xấu chế độ mới của chúng ta, rải truyền đơn kêu gọi chống chính quyền, tập kích cơ quan, đốt phá kho tàng, giết hại cán bộ...

Trong đô thị, hàng vạn bà con sau tản cư trở về, hàng ngàn người làm nghề buôn bán, dịch vụ tiểu- thủ công nghiệp, rồi nhiều vùng nông thôn, vùng căn cứ cách mạng đồng bào chưa có việc làm, mùa màng thất bát, nguy cơ đói và bệnh tật đang đến gần. Giải quyết những vấn đề nan giải ấy trong khi vừa dồn sức cho phía trước góp phần nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, vừa tìm mọi biện pháp lãnh đạo nhân dân dốc công dốc sức lo khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất đề phòng đói, đau của một bộ máy lãnh đạo vừa bước ra từ chiến tranh không phải là chuyện dễ dàng và một sớm một chiều, chưa nói là sự chi phối không nhỏ của quy luật khách quan đối với người vừa chiến thắng trong chiến tranh, vẫn “còn say” trong thành tựu có một không hai ấy!

Mọi việc rồi cũng đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển đúng như quy luật vốn có của nó. Sau 30-4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng chung với cả nước, Gia Lai bước vào thời kỳ thực sự đi vào ổn định mọi tình hình, người dân chung tay cùng chính quyền lo cho đời sống của chính mình, hàng vạn ha ruộng đất được khai hoang phục hóa, những cánh đồng vốn phì nhiêu nhưng bị hoang hóa trong chiến tranh giờ đã hồi sinh; những buôn làng, thôn xóm xơ xác, tiêu điều, hoang phế dưới bom đạn giặc thù giờ đã trở nên trù phú bởi những khối óc thông minh, những đôi bàn tay cần cù, siêng năng của bao người con qua bao thăng trầm, bao thế hệ một lòng, một mực với đất, với trời của quê hương xứ sở giờ được tự do, không còn bom đạn, giặc dã mà yên lòng xây dựng cho gia đình cho quê hương, đất nước... dưới sự dẫn dắt của Đảng, của chính quyền các cấp.

Pleiku hôm nay

Và cho đến giờ đây, bạt ngàn hàng trăm trăm ngàn ha cây trồng các loại từ cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều, cây trái hoa màu và đặc biệt là hàng chục vạn ha ruộng một, hai, ba vụ phủ gần như khắp các vùng quê trên mảnh đất Gia Lai này. Và nữa, hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ phục vụ tưới tiêu cho lúa, cho cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Và lại nữa, 100% số xã đường ô tô và điện lưới đã đến nơi. Những dòng điện có được để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho hàng triệu con người ấy không phải từ... “trời cho”, mà là từ hàng chục công trình thủy điện lớn và nhỏ rải đều theo những dòng sông, con suối của chính quê hương mình với hàng ngàn mê-ga-oát do chính bàn tay, khối óc của con người làm ra. Rồi nhà máy, công trường, khu công nghiệp, vùng dịch vụ ngày ngày mọc lên, hoàn thiện lên, tạo dáng vóc của một nơi được coi là trọng điểm, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển của cả ba nước Đông Dương.

Chưa hết, nhưng cũng không còn nhiều (như có lần đồng nghiệp tôi khẳng định- chỉ đếm trên đầu ngón của đôi bàn tay) những tình trạng đói kém, bệnh tật, thất học! Và cũng cần nói nữa, từ chỗ “đi ăn xin”, giờ đây mỗi năm trong mấy năm gần đây Gia Lai đóng góp cho ngân sách của chính mình đã lên đến gần vài ngàn tỉ đồng-một con số biết nói chứng minh cho sự giàu có của một vùng đất khó đã dần không còn khó! Và theo đó, bình quân thu nhập của mỗi người dân cũng đã lên đến con số mơ ước, phấn đấu từ lâu mà tưởng như khó lòng đạt được- trên 12,4 triệu đồng mỗi năm! Và cũng lại là lẽ đương nhiên, từ mỗi người dân ấm no, tự do, hạnh phúc thì mọi kẻ thù không có chỗ để chống phá, dù cho “giặc trong, thù ngoài” tìm bao thủ đoạn nham hiểm để gây sự nhưng chúng cũng đành bó tay!

Đã ba mươi lăm năm trôi qua, với đời người thì quá nửa, nhưng với đất trời thì chẳng thấm vào đâu mà giờ nhìn lại, đối chiếu những gì khi đó và bây giờ ta có như đã nói ở trên- bà con ta nói rằng “là một trời một vực”. Quả không sai. Một Gia Lai bình yên, no ấm. Một Gia Lai trong mắt, trong lòng của những người trong cuộc đã từng trải nếm gừng cay muối mặn một thuở không phụ lòng nhau đã gieo mầm và chăm bón cho bao  thế hệ trưởng thành nên cây nên trái; cho dù đâu đó chưa toàn vẹn, nhưng có thể nói rằng những gì giống như là “mơ được, ước có” đã đến với từng người, từng nhà trong cả cộng đồng bà con các dân tộc chúng ta trên mảnh đất anh hùng, bất khuất qua mọi thời đại trong đấu tranh với tự nhiên để sinh tồn, phát triển cũng như đấu tranh với mọi loại kẻ thù để gìn giữ, bảo vệ, giải phóng quê hương đất nước...

Con đường đi ở phía trước vẫn còn dài, những gì 35 năm qua và trước đó nữa mình làm được, đạt được- nói như chữ của nghị quyết, nó là nền tảng vững chắc để từ đó chúng ta đi lên, vươn xa ra, tiếp tục với một truyền thống vốn có bao đời của bà con các dân tộc anh em trên mảnh đất này là đoàn kết, gắn bó chung lưng đấu cật vì sự phát triển, sự yên bình, no ấm của gia đình, của cộng đồng, của quê hương, Tổ quốc...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm