Kinh tế

Gia Lai: Người trồng tiêu liêu xiêu vì… tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm nông dân trồng tiêu tại hai huyện Chư Sê và Chư Pưh- Gia Lai  đang đối mặt với vụ tiêu trắng tay. Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng của cơn bão số 9, 11 (năm 2009) đã làm cho vườn tiêu của hàng trăm nông dân đang chết dần, chết mòn và không có khả năng ra hoa kết trái trong vụ tiêu năm 2010.
Khác những năm trước, những ngày này người trồng tiêu ở Chư Sê và Chư Pưh đang tìm mọi cách để khôi phục vườn tiêu đang chết dần. Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 11 (năm 2009) bộ rễ bị tổn thương dẫn đến tiêu bị chết, bị vàng lá… không có khả năng ra hoa, kết trái. Đã vậy thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài làm một số vườn tiêu bị hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh đã có hơn 1.000 ha tiêu bị chết và giảm năng suất 40-50%.
Vườn tiêu bị chết
Chị Nguyễn Thị Tư- thôn Plei Thon- thị trấn Nhơn Hoà (Chư Pưh) buồn rầu cho biết: Như mọi năm chúng tôi hy vọng rất nhiều vào sản lượng và giá tiêu của niên vụ này nhưng thời gian gần đây tiêu bắt đầu vàng lá, thối rễ và chết hàng loạt. Năm nào cũng có tiêu chết nhưng chưa năm nào tiêu chết hàng loạt với số lượng nhiều như vậy. Gia đình tôi trồng 1,5 ha nhưng số chết đã gần một nửa, số còn lại thì năng suất giảm khoảng 50%. Vụ này coi như không có lãi, không những vậy phải nhanh chóng trồng mới lại số tiêu bị chết.

Mọi năm, thời gian này các vườn tiêu ở Chư Pưh đều đã đậu quả rất đẹp nhưng năm nay thì vườn tiêu nào cũng có cây bị chết, cây nào có quả thì cũng rất xấu. Anh Vũ Văn Bùi (thôn Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) tâm sự: Với tình hình như hiện nay thì vụ tiêu năm nay của gia đình bị mắt trắng, nếu không nói là sẽ lỗ vì đã đầu tư công chăm sóc, nước tưới và phân bón. Mọi năm đến thời điểm này vườn tiêu của gia đình đã ra hoa và đậu quả hết và là một trong những vườn tiêu đẹp và cho năng suất cao của vùng này. Nhưng năm nay thì không thấy một hoa nào, cây tiêu ngày càng còi cọc, sinh trưởng và phát triển kém và có dấu hiệu rụng đốt… Kiểu này chắc tôi phải cắt bỏ để trồng lại hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê kiểm tra các vườn tiêu bị chết
Trao đổi với chúng tôi về việc nhiều người dân trồng tiêu trên địa bàn đang đối mặt với vụ mùa trắng tay, ông Kpă Long- phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Chưa năm tại vùng tiêu này có hiện tượng chết nhiều và đồng loạt như năm nay. Phòng đã chỉ đạo cho Trạm Bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của phòng tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để sớm có biệt pháp hướng dân người dân. Trước mắt hướng dẫn người dân tăng cường công tác chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân chuồng nhằm tăng cường chất dinh dưỡng và độ ẩm cho cây.... với hy vọng sẽ cứu được một phần nào cũng như tăng năng suất cho những cây tiêu không bị bệnh.
Còn tại huyện Chư Sê nhiều diện tích cây tiêu của người dân cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng của hạn hán và cơn bão năm 2009 làm ngập úng dẫn đến bị chết do bộ rễ bị tuyến trùng, rệp sáp, rụng đốt, khả năng sinh trưởng phát triển kém và các loại nấm xâm nhập phá hại. Diện tích tiêu bị chết chủ yếu tập trung tại các xã Ia Glai, Ia Pal, Zun, Hbông… Anh Vũ Văn Viễn- chi hội phó chi hội hồ tiêu xã Al Bá cho biết: Qua kiểm tra chúng tôi thấy phần lớn diện tích tiêu chết do tổn thương bộ rễ. Những diện tích bị chết do sâu bệnh chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi sang trồng loại cây trồng khác. Vì đất này đã bị nhiễm bệnh nếu tiếp tục trồng tiêu người dân phải đầu tư rất lớn vào việc cải tạo đất”

Tình hình thời tiết diễn biến khá thất thường trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây trồng làm cho đời sống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đã không còn vốn để đầu tư lại, nhiều hộ thì lâm vào cảnh nợ nần do vay tiền để đầu tư vào trồng tiêu nhưng kết quả thì tiêu đã bị chết hàng loạt như năm nay.
Minh Nam
 

Có thể bạn quan tâm